10 bài học kinh doanh đắt giá năm 2016

10 bài học kinh doanh đắt giá năm 2016

Những công ty được Tạp chí Forbes liệt kê trong bài đều có quy mô ở tầm toàn cầu. Nhưng điều đó không có nghĩa những doanh nghiệp (DN) nhỏ hơn không đủ “tầm” để mắc những sai lầm như họ. Và, trong kinh doanh, sai lầm của người này luôn là bài học quý đối với những người khác.

Coca-Cola và vấn đề địa chính trị

Hồi đầu năm 2016, Coca-Cola muốn làm một “cử chỉ đẹp” – gửi lời chúc mừng năm mới tới mọi khách hàng trên toàn thế giới. Khi gửi lời chúc tới người dùng ở Nga qua mạng xã hội tại quốc gia này, Coke sử dụng tấm bản đồ thiếu tên Crimea, trong khi lãnh thổ này đã thuộc về Nga từ tháng 3/2014.

Điều này khiến người Nga giận dữ. Sau đó, Công ty đã cung cấp lại bản đồ nước Nga bao gồm Crimea cùng với lời xin lỗi. Nhưng sự “sửa sai” này lại gây ra làn sóng phản đối từ người Ukraine – “chủ nhân” cũ của Crimea, họ nghỉ việc và đốt dây chuyền nhà máy Coca-Cola.

Địa chính trị rõ ràng là việc không nên nằm ngoài sự hiểu biết của DN, nhất là với những DN toàn cầu.

PwC và vấn đề ứng xử với đối tác

Theo quy định hoạt động, khi tìm ra lỗi trong một phần mềm nào đó, các nhà nghiên cứu bảo mật sẽ báo cho DN và dành ra một khoảng thời gian thích hợp để DN sửa lỗi trước khi công khai ra cộng đồng để người dùng biết.

Các chuyên gia cho rằng PwC đã có cách tiếp cận sai đối với không gian an ninh mạng khi “căng thẳng” với ESNC. Ảnh: Wikipedia.

Hồi tháng 8, ESNC – công ty hệ thống bảo mật tại Munich (Đức) đã thông báo cho PwC – một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới (big four) – về một con bọ nguy hiểm trong phần mềm của họ có thể khiến kẻ tấn công thay đổi các tài liệu kế toán và thống kê tài chính của Công ty. Hậu quả của sự tấn công này có thể là gian lận, ăn cắp dữ liệu hoặc thực hiện các giao dịch bất hợp pháp.

Thay vì cảm ơn ESNC và tiến hành khắc phục lỗi phần mềm, PwC lại liên tục gửi thư yêu cầu ESNC không được công bố hoặc tiết lộ cho người sử dụng phần mềm của họ. Thậm chí, PwC còn sử dụng luật pháp để đe dọa ESNC, theo ZDNet. Kết quả là, vào đầu tháng 12 (sau thời hạn mà ESNC khuyến nghị PwC khắc phục lỗi), công ty bảo mật này đã công khai chi tiết về lỗ hổng phần mềm của PwC.

Diễn biến tiếp theo chưa được cập nhật, nhưng thật khó đoán nếu PwC chưa loại trừ được con bọ nguy hiểm kia trong phần mềm tài chính của mình. Và điều quan trọng hơn, đây không phải là cách một DN gây dựng lòng tin với khách hàng và đối tác.

Yahoo và vấn đề định giá doanh nghiệp

Vận may của Yahoo ngày một sút giảm sau khi DN này từ chối đề nghị mua lại của Microsoft với giá 45 tỷ USD vào năm 2008 (bởi vì HĐQT của Yahoo cho rằng giá trị của Công ty cao hơn). Tuy nhiên, sau rất nhiều nỗ lực cải cách không mang lại kết quả, CEO Marissa Mayer và HĐQT của Yahoo nhận ra con đường cuối cùng của họ là bán DN.

Rồi Yahoo cũng tìm ra người mua, với giá chỉ bằng một phần mười giá mà Microsoft thương thảo, là Verizon. Sau đó, tin Yahoo gặp lỗ hổng dữ liệu bắt đầu vào năm 2014 được xác nhận vào tháng 9/2016, và mới đầu tháng 12 vừa rồi là thông tin hơn một tỷ tài khoản người dùng Yahoo đã bị đánh cắp, các luật sư của Verizon đã và đang nhắc tới việc thay đổi quyết định mua lại Yahoo.

Facebook và vấn đề “lấn sân”

Facebook, vốn phủ nhận việc mình là một DN truyền thông, chắc chắn đã phải bỏ ra nhiều công sức để trở thành nơi mà người dùng tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, việc trở thành một kênh thông tin đối với bất cứ công ty nào, cả công nghệ lẫn truyền thông, hoàn toàn không đơn giản.

Tình trạng câu “like”, thư rác, tin tức lừa đảo đang ảnh hưởng tới Facebook. Ảnh: cnet.

Facebook đã có lần phải bào chữa cho cáo buộc thiên vị, và phải thay đổi cách quản lý các tin tức mới nhất bằng cách cho thôi việc một số nhà báo đảm nhiệm mảng này, đồng thời sử dụng hệ thống tự động hóa.

Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa rồi, mạng xã hội này bị tố đã dung túng cho những tin tức giả mạo gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử. Mặc dù mạnh mẽ phủ nhận, nhưng thực tế là hiện tại Facebook đang phải tìm cách khắc phục tình trạng câu “like”, thư rác, tin tức lừa đảo hiển thị trên nền tảng của mình.

Samsung và vấn đề “đốt cháy giai đoạn”

Các DN luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm đặc biệt làm “nóng” thị trường, nhưng chắc chắn không ai muốn sản phẩm của mình “nóng” kiểu như Galaxy Note 7 của Samsung.

Samsung đã phải cho tạm ngưng sản xuất tới hai lần và triển khai kế hoạch cực kỳ tốn kém để thu về mọi chiếc điện thoại Note 7 được bán ra trên toàn cầu, do tình trạng cháy nổ. Theo Reuters, quá trình thu về sản phẩm tệ hại này có thể tốn đến hơn 17 tỷ USD.

Đây chắc chắn là bài học về sự “đốt cháy giai đoạn” – giới thiệu sản phẩm ra thị trường khi nó chưa sẵn sàng – mà các DN không thể bỏ qua.

Gawker và vấn đề “lượng sức mình”

Ngưỡng hợp pháp là vấn đề được các hãng công nghệ đặc biệt lưu tâm trong khi không được đặt nặng trong giới truyền thông. Có lẽ vì thế mà Gawker Media – một công ty truyền thông trực tuyến có trụ sở tại New York (Mỹ) đã đi quá xa khi công bố đoạn băng quan hệ tình dục của Terry Bollea, một đô vật được biết đến với nghệ danh Hulk Hogan.

Tòa án Florida đã yêu cầu Gawker bồi thường cho Hogan số tiền lên tới 140 triệu USD vì việc này. Để có được số tiền này, Gawker phải bán gần như toàn bộ tài sản của mình và sau đó phá sản.

Peter Thiel

Peter Thiel – “đại gia” đứng sau vụ kiện khiến Gawker Media phá sản. Ảnh: Prismo.

Điều đáng chú ý là tỷ phú công nghệ Peter Thiel – đồng sáng lập PayPal đã bí mật cung cấp tài chính cho vụ kiện chống lại Gawker, cho nó là một phần cuộc chiến với hãng truyền thông này vì đã làm lộ ra việc ông là người đồng tính hồi năm 2007, theo The New York Times.

Ngòi bút có thể mang nhiều quyền lực hơn lưỡi gươm, nhưng hãy chỉ rút vũ khí ra sau khi đã chắc chắn về khả năng “chịu lực” của mình.

Mylan và vấn đề chiến lược tăng trưởng

Thuốc là sản phẩm không được người tiêu dùng ưa chuộng, song lại không thể bỏ qua khi có nhu cầu. Tuy nhiên, việc lạm dụng đặc tính này của sản phẩm không phải điều mà các hãng dược nên làm.

Công ty Dược Mylan Pharmaceuticals (của Mỹ, đăng ký tại Hà Lan, trụ sở chính tại Anh) năm 2007 đưa ra thị trường thuốc EpiPen – loại thuốc đặc biệt quan trọng với những người có các bệnh dị ứng nguy hiểm đến tính mạng, với giá 57USD mỗi hộp. Từ đó đến nay, công ty này liên tục tăng giá, và đến năm 2016 thì mỗi hộp thuốc EpiPen có giá tới hơn 500USD.

Từ khi tăng giá EpiPen, cổ phiếu của Mylan giảm từ gần 58USD xuống còn 38USD, tương đương mức giảm 38%. Trong kinh doanh, đôi khi việc tăng lợi nhuận không có giá trị nhiều như bạn tưởng.

Theranos và vấn đề quảng cáo “quá lời”

Trong một thời gian dài, Theranos – công ty công nghệ kỹ thuật y sinh có trụ sở tại California (Mỹ) có vẻ như sẽ trở thành “vua” trong lĩnh vực xét nghiệm máu. Theranos – do Elizabeth Holmes sáng lập và điều hành – tuyên bố, chỉ với 1 – 2 giọt máu trích từ đầu ngón tay có thể chạy hơn 70 xét nghiệm, với chi phí thấp hơn từ 50 – 90% mức chi trả tiêu chuẩn.

Năm 2014, Theranos đã quyên góp được hơn 400 triệu USD tài trợ và được định giá tới 9 tỷ USD. Tuy nhiên, chưa tới một năm sau, bằng chứng về việc những quảng bá của Theranos không đáp ứng yêu cầu giám sát bắt đầu được đưa ra.

Elizabeth Holmes

Elizabeth Holmes – nhà sáng lập startup Theranos từng được định giá 9 tỷ USD nay bị cấm hoạt động 2 năm. Ảnh: Fortune.

Càng đi sâu vào chi tiết những sai sót của Theranos, cơ quan điều tra càng tìm ra nhiều sai phạm nghiêm trọng khác. Cuối tháng 11 vừa qua, Theranos nhận đơn kiện thứ ba vì đã thổi phồng nhiều dự án và quảng cáo sai sự thật, làm mất lòng tin của các nhà đầu tư vào các dự án khởi nghiệp.

Trước đó, một nhà đầu tư cũng đã kiện Theranos, đòi bồi thường 140 triệu USD vì những thông tin không chính xác của startup này. Còn Elizabeth Holmes đã bị cấm hoạt động (sở hữu hoặc điều hành một phòng thí nghiệm y tế) trong vòng 2 năm.

Những quảng cáo thái quá quá nguy hiểm!

Wells Fargo và sự lơ là trước lời cảnh báo

Từ năm 2005, khi John Stumpf trở thành Chủ tịch Wells Fargo (ông trở thành CEO 2 năm sau đó), một vài nhân viên ngân hàng này đã cố gắng cảnh báo bộ phận quản lý về một hành vi gian lận nghiêm trọng: một số nhân viên mở tài khoản cho khách hàng khống. Điều này có nghĩa là Ngân hàng phải trả phí vào các tài khoản giả, và các nhân viên trên lấy đi số phí đó.

Đáng tiếc, CEO Stumpf đã bỏ qua cảnh báo ấy, thậm chí Wells Fargo còn tìm cách sa thải người cung cấp thông tin, theo The New York Times. CNN cho biết, sau vụ kiện đầu tiên của khách hàng hồi tháng 9, Wells Fargo đã sa thải 5.300 nhân viên liên quan đến việc lừa đảo, chấp nhận nộp 185 triệu USD tiền phạt và hoàn trả 5 triệu USD cho khách hàng.

CEO Stumpf đã xin thôi việc vào tháng 10. Nghiêm trọng hơn, Wells Fargo đang bị cơ quan chức năng điều tra.

Một bài học quá đắt về sự lơ là trước cảnh báo từ nội bộ!

Nguồn: BrandsVietNam