Sự thật về SEO và nguồn lưu lượng “miễn phí” từ Google vào các website bạn nên biết
Đứng giữa hai lựa chọn quảng cáo trả tiền trên mỗi lượt click và SEO (tối ưa hóa các công cụ tìm kiếm giúp website của bạn nổi lên top đầu kết quả của Google), hầu hết mọi người đều chọn SEO với suy nghĩ đơn giản: “Google sẽ giúp kéo về một lượng người truy cập miễn phí mà, tại sao không chứ?” hay “Bây giờ còn ai bấm vào quảng cáo nữa hả trời?”.
Những suy nghĩ này hoàn toàn có căn cứ, chỉ trừ quan việc “Google sẽ giúp kéo về một lượng truy cập miễn phí” thì chúng ta nên đính chính lại là thực chất chẳng có gì là miễn phí ở đây cả. Bài viết này sẽ không đề cập đến chi phí bạn phải trả trong trường hợp phải thuê một công ty chuyên dịch vụ SEO triển khai cho website của mình. Hãy giả định công ty bạn có một đội SEO riêng và cùng tìm hiểu về những chi phí thực mà phương pháp này sẽ ngốn của bạn.
Thứ hạng website của bạn sẽ rất bấp bênh nếu chỉ dựa vào SEO
Tôi bắt đầu sử dụng SEO từ 7 năm trước, cho website công ty cung cấp gia sư của mình. Tên miền, từ khóa đều chuẩn, backlink trỏ về đều đều từ đủ các nguồn khác nhau. Vậy là đã khá đầy đủ, tôi chỉ hồi hộp chờ đợi thôi. Chỉ trong vòng vài tháng, website của tôi bắt đầu hiện lên trang 1 kết quả tìm kiếm của Google. Tuyệt, tôi đã nghĩ từ nay mình có thể yên tâm tận hưởng nguồn truy cập miễn phí Google dẫn về và chỉ cần làm một số hoạt động duy trì SEO mà thôi.
Thế nhưng quả ngọt này không kéo dài lâu. Gã khổng lồ tìm kiếm đã có cách triệt hạ những phương pháp đẩy trang không chính thống, và những doanh nghiệp như của tôi cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Tôi hiểu rằng ranh giới trắng đen thật sự rất mong manh và sẽ liên tục thay đổi. Mặc dù tôi cũng chỉ tập trung vào từ khóa và xây dựng backlink như bao người khác nhưng rốt cục vẫn không tránh được cuộc ‘thảm sát’ hàng loạt này từ Google.
Họ thậm chí còn đặt cho nó cái tên rất ngây thơ là Google Penguin (cánh cụt). Chính vì website kinh doanh của tôi bị phạt đẹp mà tất cả những nỗ lực SEO trước đó đã đổ sông đổ biển, công ty phải lập website mới.
Tôi cũng không phải người duy nhất hứng chịu lưỡi đao tử thần này từ Google. Rất nhiều website uy tín như eBay, BMW hay Expedia cũng chịu chung số phận, trong đó eBay đã bị thiệt hại tới 200 triệu USD do sụt hạng kết quả tìm kiếm. Vấn đề mấu chốt ở đây là nếu chỉ phụ thuộc vào lượng truy cập tự nhiên từ Google qua SEO thì bạn đang tự đặt mình vào tình thế rất bấp bênh, ngủ hôm nay không biết mai dậy có bỗng chốc tụt khỏi trang 1 hay không.
Khi tình thế rối ren
Ít nhất tôi vẫn thấy mình khá may mắn khi những nỗ lực SEO cũng còn được đền đáp. Website của tôi đứng thứ hạng cao trên Google một thời gian dài trước khi tụt xuống. Đối với nhiều người khác thì thậm chí cả sau khi đã bỏ ra một đống tiền rồi, họ vẫn không được rank trên Google, hoặc nói đơn giản là công sức đổ sông hết. Thực tế đó không phải cuộc chiến về SEO mà trong hầu hết các trường hợp, chúng ta đang ‘cày’ cho một cuộc chiến mà bản thân nắm chắc phần thua. Tuy nhiên, bạn có thể tự bảo vệ website của mình bằng cách chuẩn bị tinh thần trước cho một số việc như sau.
Tôi từng thấy nhiều người đến gặp mình với một mớ từ khóa và hy vọng chúng sẽ đẩy website của họ lên top đầu. Thế nhưng dưới đây là một ví dụ cho thấy từ khóa không đóng vai trò quan trọng như bạn tưởng:
Hãy thử search “online shopping singapore” và xem kết quả:
3 kết quả đầu tiên đều là những cái tên nổi bật: Lazada, Zalora (đều của Rocket Internet) và Qoo10. Không phải ngẫu nhiên đâu. Khoảng 3 năm trước, thuật toán của Google chưa thông minh đến mức lọc được ra những cái tên uy tín mà khả năng cao là sẽ dẫn bạn tới một website có địa chỉ onlineshoppingsingapore.com nào đó. Thế nhưng kể từ đó Google đã được nâng cấp lên rất nhiều để không còn quyết định thứ hạng website chỉ dựa vào từ khóa nữa. Cỗ máy tìm kiếm khổng lồ biết cung cấp đúng những thứ người dùng cần.
Những công ty có tên tuổi phổ biến sẽ được xếp hạng cao trên trang kết quả tìm kiếm. Có thể bạn sẽ nghĩ Google chỉ là robot thì làm sao biết đâu là thương hiệu người Singapore yêu thích mà cho lên top? Đừng quên là Google nắm trong tay lượng dữ liệu khổng lồ về người dùng, trong đó có dữ liệu tìm kiếm của chính bạn nữa. Khi mà lượng người search từ khóa “Zalora” đạt đến mức hơn 100.000 lượt mỗi tháng thì chắc chắn Google biết Zalora là một thương hiệu mạnh. (Bạn có thể kiểm tra mức độ phổ biến của thương hiệu của bạn trên Keyword planner ở đây.
Nếu như 3 website top đầu trên trang kết quả tìm kiếm đã chiếm tới 60% số lượt click rồi (xem biểu đồ dưới) thì tôi thực sự không khuyên các doanh nghiệp theo đuổi những từ khóa này ngay từ đầu nữa.
Biểu đồ trên thể hiện xu hướng truy cập các trang hiển thị trong kết quả tìm kiếm của Google. Câu hỏi đặt ra là chẳng lẽ chúng ta phải nổi tiếng, được tìm kiếm nhiều sẵn rồi thì mới được xếp hạng cao chứ không còn có thể dựa vào thứ hạng tìm kiếm cao để nổi lên và kiếm lưu lượng truy cập được nữa sao? Thật trớ trêu.
Điều này có lẽ nào là một tin dữ đối với các startup nhỏ còn chưa ai biết tới với cơ hội được mọi người biết và tìm kiếm gần như bằng 0?
Thực ra không hẳn là như vậy, hãy cùng tìm hiểu thêm một chú nhé.
Chìa khóa trong xây dựng nội dung
Hãy thử search từ khóa “restaurant singapore” để xem đâu là nhà hàng nổi tiếng nhất ở đây, và kết quả thật sự rất bất ngờ:
Kết quả tìm kiếm không cho ra một cái tên nhà hàng cụ thể nào mà lại dẫn tới toàn các trang nội dung như blog, web review hay diễn đàn với các bài viết như Top 10 nhà hàng tốt nhất Singapore hay Review các nhà hàng tại Singapore. Lại một lần nữa người dùng không thể tìm được website các nhà hàng cụ thể trên Google với từ khóa cơ bản là ‘nhà hàng’.
Tuy nhiên, nếu bạn đang quản lý một tiệm bánh, một trường dạy nấu ăn hay bất cứ doanh nghiệp về ẩm thực nào đó thì liệu bạn có thể lập một trang nội dung như blog chuyên review món ăn hay dạy nấu nướng được không? Ý tưởng không tồi chút nào đâu.
Chính xác thì Google không định kết liễu các website mà chỉ muốn khuyến khích các chủ nhân website nâng cao chất lượng nội dung trên trang mà thôi. Khi các thuật toán của Google được nâng cấp, cỗ máy tìm kiếm sẽ giỏi phân biệt và xếp hạng các trang chất lượng cao lên đầu hơn.
Đây chính là lúc chúng ta cần đầu tư thực sự cho content marketing (marketing nội dung). Một trong những lý do content marketing đột nhiên gây được nhiều sức hút chính là tiềm năng cho SEO của nó. Content marketing giờ đây là thứ mà các công ty nhỏ, các startup rất nên trông cậy vào nhiều nhất trong cuộc đua thứ hạng với các thương hiệu lớn.
Cũng phải nhắc lại rằng lượng truy cập Google dẫn tới trang của bạn sẽ không hoàn toàn là miễn phí. Một số công ty (thậm chí cả các công ty chuyên về dịch vụ SEO) cũng hiểu nhầm thông điệp của Google và cố sản xuất nội dung kiểu ‘chống đối’, chỉ để qua mắt Google hay để có một backlink trỏ về mà không chăm chút cho chất lượng của chúng, viết ra những bài xáo xào không thể đọc nổi hay chẳng mang lại chút giá trị gì cho người đọc. Theo ước tính, mỗi người click vào một website chỉ dành đúng 8 phút để lướt qua tất cả và dành sự chú ý cho những nội dung thật sự có giá trị.
Xây dựng nội dung chất lượng cũng đòi hỏi phải tìm tòi, phân tích, lên ý tưởng, tổng hợp, viết lách,…Tất cả những hoạt động này đều ngốn khá nhiều thời gian, công sức, thậm chí cả tiền nếu bạn thuê thêm người viết chuyên nghiệp bên ngoài. Tính toán một chút bạn sẽ thấy số tiền phải bỏ ra để làm nội dung chất lượng đứng top Google có thể còn vượt quá tiền quảng cáo.
Vậy thì chẳng lẽ SEO đang đến thời kỳ chết rồi sao?
Điều này hoàn toàn không đúng. SEO vẫn tồn tại, nhưng sẽ trở nên tinh tế và hoàn thiện hơn. Hãy nhìn SEO từ một góc độ khác.
- SEO không còn là một môn khoa học mà thực chất đã trở thành một môn nghệ thuật. Nó từng là việc bao gồm các hoạt động kỳ cạch với các dòng code như robot.tx, mega tag hay anchor text,… Thế nhưng với các phần mềm xây dựng backlink tự động cùng sự phổ biến của mạng xã hội, Google nay đã có một vũ khí mới để đo lường sở thích của người dùng. Các nhà quảng cáo vẫn có thể phát rồ với sức ảnh hưởng khủng khiếp của mạng xã hội lên SEO trong khi những người trước giờ chỉ biết cắm mặt vào sản phẩm hay kinh doanh nay cũng phải tự khiến mình giỏi tương tác hơn trên mạng xã hội. Các công ty nay cũng sẽ phải để mắt nhiều hơn đến các nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội và xây dựng nội dung sao cho người đọc yêu thích và phải bấm nút share mỗi khi họ đọc xong. Tất cả những điều này đều giúp cho SEO trở nên hoàn thiện và đa dạng hơn chứ không chỉ xoay quanh những thủ thuật, mánh hack mũ đen nữa.
- SEO không nên bị coi là một mánh lách ngầm nữa mà nên được đồng bộ vào các mặt khác trong công việc kinh doanh của bạn. Lượng tìm kiếm về thương hiệu của bạn, cấu trúc trang, chất lượng website, tốc độ load trang, các đường dẫn tới địa chỉ mạng xã hội,… đều có tầm ảnh hưởng nhất định tới thứ hạng Google dành cho bạn, vì vậy hãy chú ý đến chúng ngay từ khâu thiết kế website. Bạn cũng chỉ nên giao phó công việc xây dựng nội dung và SEO cho những người hiểu rõ lĩnh vực bạn kinh doanh.
- Đừng chỉ chú trọng vào từ khóa mà hãy chú trọng vào mục đích của nội dung. Hãy tạo nội dung có thể giải quyết vấn đề cho những người sẽ đọc chúng. Hãy làm họ hài lòng, bởi làm người đọc hài lòng cũng đồng nghĩa với việc làm Google hài lòng. Một phương pháp bền vững hơn là thực hiện SEO trên các cụm từ khóa dài (longtail SEO). Các cụm từ khóa dài thường sẽ bao gồm 3 từ trở lên và ở dạng một câu hỏi (như khi người dùng cần tìm hiểu và gõ vào Google), ví dụ như Singapore có nhà hàng nào ngon?. Những cụm từ khóa dạng này ngày càng trở nên phổ biến, nhất là với sự nổi lên của các trợ lý giọng nói như Siri hay Google Now, khi người dùng cần tìm gì chỉ cần gọi trợ lý ảo của mình lên hỏi mà thôi. Biểu đồ dưới đây cho thấy 70% số lượt tìm kiếm đều là những cụm từ khóa dài!
Nếu bạn đi theo các bước SEO mới như trên và kết hợp tốt chúng với chiến lược content marketing phù hợp, bạn sẽ không phải quá lo lắng về chuyện bị Google đánh tụt hạng nữa. Tính về dài hạn, những nỗ lực của bạn chắc chắn sẽ được đền đáp bằng lưu lượng truy cập miễn phí Google mang đến cho bạn.
Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng nhất thiết phải làm SEO, thậm chí là không cần một chút nào. Internet hiện nay đã cung cấp một lượng khổng lồ các kênh khác nhau để bạn quảng bá về sản phẩm của mình, từ quảng cáo Google, Facebook cho đến email marketing, mạng xã hội, ứng dụng chat,… Nếu bạn đã chinh phục được cỗ máy tìm kiếm rồi thì xin chúc mừng, còn nếu chưa thì hãy đa dạng hóa các nguồn truy cập website của mình, bởi các thuật toán tìm kiếm vẫn sẽ thay đổi liên tục.
Nguồn: Tri thức trẻ