Tại sao khi sợ hãi, khách hàng lại dễ dàng móc hầu bao hơn?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các yếu tố cảm xúc như sợ hãi, lo lắng, bất an… thường tác động mạnh hơn đến hành vi mua hàng.

AMX là nhà cung cấp dược phẩm dành cho nam giới (cạnh tranh với Viagra bằng một hình thức phân phối khác: khám, tư vấn, kê toa và bán thuốc qua điện thoại – nhằm đáp ứng nhu cầu của đa số người không muốn đến gặp bác sĩ trực tiếp). Công ty này có khoảng 200 chuyên viên bán hàng tại trụ sở ở Sydney và mấy chục phòng mạch ở các tiểu bang Úc và một số quốc gia…

Thông thường một Sales ở AMX có doanh số 4.000 đô/ngày, tức 25.000 đô/tuần. Với hoa hồng 7% – trung bình, mỗi sales kiếm được 1.500 đô/tuần. Riêng Adam có thu nhập luôn gấp đôi mức ấy – thường đạt 3.000 đô hoa hồng hàng tuần – một cách khá dễ dàng & đều đặn. Bí quyết của anh là gì? Đó là nhờ một kịch bản bán hàng khác biệt.

Trong khi những Sales khác tập trung vào những lợi ích nếu dùng sản phẩm (tận hưởng cuộc sống, lấy lại tuổi thanh xuân, giữ gìn hạnh phúc, gia đình đầm ấm và niềm vui cho vợ…) thì Adam chỉ đề cập đến những mất mát nếu không dùng sản phẩm (thiếu tự tin, quan hệ vợ chồng bị ảnh hưởng, hạnh phúc gia đình bị thử thách và kết cục có thể chia tay, tan vỡ…). Bằng cách này, Adam luôn chốt deal nhiều hơn và doanh số tháng nào cũng gấp đôi chuyên viên khác.

Đây là hai kịch bản bán hàng khác nhau – và trong nhiều trường hợp đã giúp mang lại hiệu quả cũng rất khác nhau. Chúng được gọi là ‘selling gains’ (bán lợi ích) ‘selling pains’ (bán sợ hãi). Áp dụng tương tự đối với truyền thông và quảng cáo.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các yếu tố cảm xúc như sợ hãi, lo lắng, bất an… thường tác động mạnh hơn đến hành vi mua hàng. Trong nhiều trường hợp, khách hàng sẽ bị thôi thúc hơn nếu ý thức rằng sẽ bị ‘mất mát’ và ‘thiệt hại’ nếu không mua.

Ngược lại, đôi lúc những lợi ích như tiết kiệm thời gian, tăng lợi nhuận, giảm chi phí… lại chưa đủ mạnh để tác động đến quyết định mua (nôm na là khách hàng sợ bị thiệt hơn là vui vì lợi).

Tuy nhiên, chiến thuật này rất dễ bị lợi dụng dẫn đến ‘hù dọa’ hoặc các ‘thiệt hại’ có thể bị phóng đại hoặc trầm trọng quá mức nhằm tạo áp lực tâm lý cho khách hàng. Một khi người bán hàng chỉ biết quan tâm đến doanh số và lợi nhuận của mình thay vì quyền lợi của khách hàng – khả năng rất cao là điều này sẽ xảy ra. Giới hạn về sự chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là rất mong manh.

Thời gian qua, chiến thuật ‘selling pains’ được sử dụng nhiều qua các chiến dịch truyền thông và quảng cáo của các doanh nghiệp trong nước. Các sản phẩm bao gồm café, mì tôm cho đến rau, thịt hay phẫu thuật thẩm mỹ… với thông điệp đúng đắn và cần thiết đã giúp cho người tiêu dùng nhận thức rõ hơn hậu quả nên tránh của sản phẩm bẩn, dịch vụ kém để có hành vi mua sắm khôn ngoan hơn.

Tuy nhiên, thị trường và người tiêu dùng cũng dễ nhận ra dường như có chiến dịch đã được đẩy đi quá giới hạn, yếu tố ‘hù dọa’ được khai thác quá mức khiến cho các thông điệp truyền thông bị nghi ngờ về tính trung thực.

Nguồn: BrandsVietNam

Tầng lớp trung lưu có thể chiếm 1/2 dân số Việt Nam vài năm tới

Tầng lớp trung lưu có thể chiếm 1/2 dân số Việt Nam vài năm tới

Vào một tối Chủ Nhật bình thường ở trung tâm Tp.HCM, những chiếc xe hơi châu Âu và xe máy Nhật chen chúc nhau ra vào bãi đỗ xe của một khu nhà hàng.

Những món ăn được phục vụ ở khu này có sushi Nhật, đồ Italy, và bia tươi nhập ngoại… Trên tay thực khách là những chiếc iPhone và điện thoại cao cấp khác.

Tờ báo Nhật Nikkei nói rằng cảnh tượng này phản ánh những gì mà công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG) nói về tầng lớp trung lưu đang phát triển với tốc độ nhanh chóng ở Việt Nam.

Theo BCG, “tầng lớp trung và thượng lưu” với mức thu nhập từ 714 USD/tháng ở Việt Nam sẽ tăng lên mức 33 triệu người trong thời gian 2014-2020. Trong khi đó, công ty nghiên cứu thị trường Nielson ước tính rằng dân số thuộc tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ đạt mức 44 triệu người vào năm 2020, và 95 triệu người vào năm 2030.

Tranh thủ cơ hội

Các thương hiệu nước ngoài như Samsung, Starbucks, Dell… vì vậy đang đổ tới Việt Nam để tranh thủ cơ hội này.

Nhấn mạnh về quy mô của thị trường Việt Nam, ông Paul Nguyen, giám đốc điều hành hãng bảo hiểm Manulife, nói: “Cơ hội cho các nhà bảo hiểm nhân thọ là vô hạn ở Việt Nam”. Ông Paul Nguyen cũng nói Việt Nam là quốc gia có mức độ phủ sóng bảo hiểm thấp nhất ở khu vực Đông Nam Á và hiện có 17 công ty bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam với nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút khách hàng.

Một cửa hiệu McDonald’s ở Việt Nam.

Anh Nguyen, 25 tuổi, làm việc cho một tổ chức của châu Âu và công ty gia đình, có thu nhập 1.000 USD/tháng. Cô thích ăn các món ăn ngoại và đi du lịch nước ngoài. “Với số tiền như vậy, tôi không sống xa xỉ nhưng có thể sống thoải mái. Nếu tôi muốn đi du lịch thì điều đó không có gì là khó”, Anh Nguyen nói.

Với mức thu nhập ngày càng tăng, người Việt Nam ngày càng ưa thích các thương hiệu nước ngoài nổi tiếng, chẳng hạn điện thoại thông minh của Apple, Samsung, Sony… Samsung chiếm 35,6 % thị trường điện thoại di động tại Việt Nam trong năm 2015, Apple chiếm 24% – theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường công nghệ IDC.

Các nhà sản xuất smartphone quảng bá sản phẩm rất mạnh tại hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và Tp.HCM. Những công ty có ngân sách hạn hẹp hơn thường cung cấp biển hiệu, trang trí… cho các cửa hiệu bán lẻ đồ điện tử, trong khi các công ty lớn chi đậm cho quảng cáo, khuyến mãi và đại sứ thương hiệu.

Dang Thi Hien, 42 tuổi, làm nghề trợ lý tư pháp, vừa mua một chiếc smartphone Samsung giá 100 USD. “Tôi thực sự không thích hàng Trung Quốc”, bà Hien, người có mức lương hiện tại 5.000 USD/tháng, nói. Theo bà Hien, hàng điện tử và mỹ phẩm Hàn Quốc cũng là sản phẩm được tầng lớp trung lưu Việt Nam ưa thích.

Các công ty bán lẻ nước ngoài không muốn bỏ lỡ cơ hội ở Việt Nam. Tập đoàn Aeon của Nhật mới đây đã khai trương trung tâm mua sắm thứ tư tại Việt Nam.

Tập đoàn Aeon của Nhật đã khai trương trung tâm mua sắm thứ tư tại Việt Nam.

Hãng máy tính Dell cho biết người Việt Nam ngày càng chuộng những hàng hóa có mức giá cao hơn. “Người tiêu dùng Việt Nam, chủ yếu là thế hệ trẻ, sành công nghệ hơn, dẫn tới nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm công nghệ cao”, Cuong Thinh Nguyen, một nhà quản lý phát triển kinh doanh của Dell tại Việt Nam, cho biết.

Cuộc đua tăng tốc

Các nhà bán lẻ nước ngoài thường “thử” thị trường Việt Nam bằng cách mở từng cửa hàng một. Chẳng hạn, hãng bán lẻ Mitra Adiperkasa của Indonesia đã gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 9 vừa rồi thông qua khai trương cửa hiệu nhượng quyền của thương hiệu thời trang Tây Ban Nha Zara. Đây là cửa hiệu Zara đầu tiên tại Việt Nam, đặt tại Tp.HCM, có diện tích 2.400 mét vuông.

Các nhà hàng nước ngoài cũng mọc lên như nấm tại các thành phố lớn của Việt Nam.

“Người Việt Nam rất quan tâm đến vẻ bề ngoài”, ông Oscar Mussons, nhà tư vấn kinh doanh quốc tế thuộc công ty Dezan Shira & Associates, nhận định. “Nếu bạn vào một ngôi nhà ở Việt Nam, họ có thể không có một cái giường lớn hay một cái bàn lớn, nhưng họ lại có điện thoại di động và xe máy vì đó là những thứ họ có thể ‘khoe’ khi đi ra ngoài”.

Những nhà hàng Nhật và nhà hàng đồ ăn nhanh của Mỹ – nếu sạch sẽ, rộng rãi, và sáng sủa – đều được coi là nhà hàng cao cấp ở Việt Nam.

McDonald’s đã mở 3 cửa hiệu đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2014. Tại thời điểm đó, McDonald’s được người Việt Nam coi là một thương hiệu nhà hàng mang tính biểu tượng. Chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh này hy vọng sẽ có 100 cửa hiệu tại Việt Nam vào năm 2024.

Kết quả thăm dò do Nielsen tiến hành cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam ở mức cao thứ 5 trên thế giới vào quý 1/2016.

Các thương hiệu đồ ăn nhanh khác như Burger King, Dunkin Donuts, Starbucks, và Jollibee đều đang chạy đua ở Việt Nam. Jollibee đã mở cửa hiệu thứ 5 tại Hà Nội vào tháng 8 vừa qua, nâng tổng số cửa hiệu tại Việt Nam lên con số 81.

Kết quả thăm dò do Nielsen tiến hành cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam ở mức cao thứ 5 trên thế giới vào quý 1/2016. Hãng nghiên cứu này cũng nhấn mạnh 57% người Việt Nam hiện dưới 35 tuổi, và số người ra tốt nghiệp đại học ở Việt Nam đã tăng 60% trong vòng một thập kỷ qua.

Cùng với sự gia tăng của thu nhập, nhu cầu nhà ở cao cấp ở Việt Nam cũng tăng lên.

Nhà nghiên cứu thị trường Aparna Bharadwaj của BCG nói rằng các công ty nước ngoài nên tập trung bán các mặt hàng mỹ phẩm, thiết bị viễn thông, các sản phẩm sữa cao cấp, các sản phẩm vệ sinh, và “trải nghiệm” như du lịch khi vào thị trường Việt Nam. Chuyên gia này cũng nói rằng người tiêu dùng Việt Nam chuộng những sản phẩm có ích cho cả gia đình.

“Người tiêu dùng Việt Nam rất hướng về gia đình”, bà Bharadwaj nói. “Điều này có ở 10 quốc gia Đông Nam Á, nhưng thể hiện rõ hơn cả ở Việt Nam”.

Nguồn: BrandsVietNam