Tag Archives: customer insight

Bạn đã hiểu đúng về Customer Insight?

Bạn đã hiểu đúng về Customer Insight?

Sự thật ngầm hiểu (Insight) trong tiếng Hy Lạp cổ còn có nghĩa là Epiphany. Từ này để chỉ sự xuất hiện của chúa Jesu đối với các tín đồ theo đạo Thiên chúa giáo. Đó là sự xuất hiện thiêng liêng, được mong chờ và không phải ai cũng có may mắn được nhìn thấy.

Insight giống như “chỗ ngứa” trên cơ thể. Tìm insight giống như gãi ngứa. Khi đã gãi đúng, chỉ cần nhè nhẹ nhè nhẹ thôi là đủ để khách phê. Ngược lại, sai insight thì cũng như nước trôi lông vịt. Trừ khi có tiền tấn để tạo ra lối mòn nhận thức, việc đấm cấu véo thô bạo chỉ làm cho khách hàng khó chịu thêm.

Insight (sự thật ngầm hiểu) không phải là data (dữ liệu), không phải information (thông tin), không phải common sense (sự thật hiển nhiên). Bản thân tên gọi “sự thật ngầm hiểu” đã phản ánh bản chất của khái niệm rất dễ bị nhầm lẫn này rồi. Một nửa Insight là “sự thật”. Nó là suy nghĩ là cảm nhận là mong muốn đang diễn ra trong suy nghĩ của khách hàng. Nửa còn lại của insight là “ngầm hiểu”. Nó là những gì đằng sau những câu cảm thán, những cái gật đầu hay lắc đầu của khách hàng. Doanh nghiệp phải decode (giải mã) nó. Vấn đề là doanh nghiệp cần có những người được huấn luyện để giải mã. Ông David Ogilvy ví von rằng thiếu sự thấu hiểu khách hàng giống như trong quân sự một vị tướng dẫn quân ra trận nhưng không biết phải đánh nhau với ai.

Chúng ta cùng phân tích những ví dụ khá điển hình về sức mạnh to lớn khi thương hiệu phát hiện và tối ưu hoá được sự thật ngầm hiểu trong hoạt động truyền thông thương hiệu của họ.

Với sứ mệnh mang đến niềm vui và nguồn dinh dưỡng lành cho mọi gia đình, Fami đã từng bước phát triển, trở thành người dẫn đầu thị trường sữa đậu nành cũng như chiếm trọn trái tim của nhiều gia đình Việt trong một vài năm gần đây. Là một sản phẩm dành cho cả gia đình với phân khúc khách hàng đa dạng từ trẻ nhỏ cho đến người lớn tuổi, Fami đã tìm và khai thác được một sự thật ngầm hiểu đắt giá, phù hợp với mọi đối tượng trong nhóm khách hàng mục tiêu.

“Gia đình” luôn là điều mà mỗi con người luôn mang trong tim với một ý nghĩa đặc biệt của riêng mình. Nó gắn với những câu chuyện và kỉ niệm sâu sắc dễ chạm đến trái tim con người. Tuy vậy, những lời yêu thương lại không dễ nói ra, do ngại ngùng hoặc do cuộc sống bận rộn khiến chúng ta không có thời gian lắng lại để nghĩ về những giá trị thiêng liêng đó.

Khai thác sự thật ngầm hiểu này, Fami đã kích hoạt chiến dịch “Nhà là nơi”, nhằm khuyến khích mọi người chia sẻ suy nghĩ của mình về mái ấm. Qua đó, Fami củng cố định vị về một thương hiệu dành cho gia đình, luôn trân trọng và nâng niu những giá trị truyền thống, nhất là trong cuộc sống hiện đại.

Nhà là nơi

Chiến dịch “Nhà là nơi…” – Fami.

Chiến dịch 360 độ với ý tưởng lớn “Nhà là nơi” đã được triển khai trên mọi phương tiện truyền thông từ TVC, báo chí đến mạng xã hội và website, thu hút được sự chú ý và tương tác với hơn 22.000 định nghĩa “Nhà là nơi” và hơn 3 triệu lượt xem MV. Bên cạnh đó, Ngày gia đình Việt Nam 28.06 cũng trở thành một dịp đặc biệt được thương hiệu sử dụng để chắp cánh cho ý tưởng này.

Một ví dụ khác về sự thay đổi và tác động rất lớn khi thương hiệu “bấm huyệt” được insight sâu thẳm trong suy nghĩ của người tiêu dùng là thương hiệu kẹo Snickers.

Đứng trước thách thức về việc thương hiệu không có một liên tưởng cụ thể trong tâm trí khách hàng, Snickers sử dụng chiến lược gắn hình ảnh thương hiệu với một dịp hay một khoảng thời gian nhất định, qua đó nhắc nhở khách hàng về lý do và thời điểm họ nên thưởng thức Snickers.

Từ sự quan sát và nghiên cứu tâm lý đối tượng khách hàng mục tiêu, Snickers phát hiện ra rằng mỗi chúng ta, dù ít hay nhiều, cũng đều trải qua những lúc cư xử không thực sự là chính mình. Khi đó, hành động của chúng ta không chịu điều khiển bởi tâm trí mà bị chi phối bởi những cảm xúc tiêu cực như cáu giận hay bực bội. Và khi đói bụng, con người rất dễ rơi vào những trạng thái cảm xúc đó.

Snickers

“You are not you when you’re hungry” – Snickers.

Dựa vào sự thật ngầm hiểu này, Snickers đã sử dụng khoảnh khắc “không-là-chính-mình” để xây dựng liên tưởng thương hiệu. Sau 12 tuần tung ra chiến dịch “You are not you when you’re hungry”, số lượng Snickers bán ra đã vượt 705,000 thanh so với năm trước và doanh số của một vài kênh bán hàng đã tăng trưởng hai chữ số.

Gia đình của Fami và khoảnh khắc “không là chính mình” Snickers chính là những “chỗ ngứa” mà các thương hiệu này đã khôn ngoan “gãi” nhẹ vào. Kết luận này ảnh hưởng vô cùng lớn đến series các hành động tiếp theo trong công tác xây dựng thương hiệu và marketing. Chỉ một kết luận này thôi nhưng là kết quả của rất nhiều kiến thức, kỹ năng và nhạy cảm làm nghề của những kẻ làm nghề săn tìm “Sự thật ngầm hiểu”. Khi chứng kiến những câu chuyện thực tế như thế này và nhiều câu chuyện tương tự khác, tôi tự hỏi doanh nghiệp sẽ làm những gì và đi đến đâu nếu họ có kết luận chưa chuẩn về sự ngầm hiểu khách hàng thực sự có.

Vì thực tế đã chứng minh rằng nhiều thương hiệu đã lầm đường lạc lối chỉ vì một kết luận sai về customer insight.

Nguồn: BrandDance

Lượt truy cập Internet mobile vượt mặt desktop

Lượt truy cập Internet mobile vượt mặt desktop

Lần đầu tiên trong vòng 7 năm qua, lượng người truy cập internet thông qua các thiết bị di động đã nhiều hơn số lượng người truy cập thông qua máy tính cá nhân.

Theo PhoneArena, thông tin nói trên đã được hãng nghiên cứu thị trường StatCounter xác nhận, sau khi phân tích hành vi và thói quen của người dùng khi lướt web, trong vòng 7 năm qua.

Cách tính của StatCounter là thống kê lượng người truy cập internet toàn cầu, dựa trên 15 tỉ lượt xem các trang web mỗi tháng từ hơn 2,5 triệu trang web khác nhau.

StatCounter cho rằng, giai đoạn năm 2014 trở về sau là thời điểm di động bắt đầu bùng nổ, và thói quen người dùng internet cũng đã dần chuyển hướng, và không còn gò bó trước việc truy cập internet chỉ bằng máy tính cá nhân.

Thống kê việc truy cập internet qua di động và máy tính cá nhân được StatCounter nghiên cứu từ tháng 10.2009 đến tháng 10.2016. Ảnh chụp màn hình.

Theo đó, dựa vào các số liệu thống kê thì StatCounter cho biết hầu như ai đã từng sử dụng smartphone đều sẽ lướt web trên thiết bị này. Ước tính, hiện 51,3% lưu lượng truy cập internet là thông qua các thiết bị di động (smartphone và tablet) và chính thức vượt qua phương thức truy cập internet truyền thống từ máy tính cá nhân (máy tính để bàn, laptop) khi đang nắm giữ 48,7%.

StatCounter cho biết thêm, châu Á và những thị trường mới nổi cũng là những nơi có lượng người dùng truy cập internet qua di động cao nhất. Đáng lưu ý, tại Mỹ (nơi internet rất phát triển) thì 58% lượng truy cập internet vẫn là từ máy tính cá nhân, 42% còn lại là dùng di động để lướt web.

Thông tin mà StatCounter đưa ra được đánh giá là rất hữu ích cho các nhà nghiên cứu thị trường di động, đặc biệt là những đơn vị quảng cáo trực tuyến vì họ có thể biết được rằng thói quen lướt web trên di động sẽ là một xu hướng sẽ dần được ưa chuộng hơn trong thời gian tới.

Nguồn: BrandsVietNam

Tại sao khi sợ hãi, khách hàng lại dễ dàng móc hầu bao hơn?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các yếu tố cảm xúc như sợ hãi, lo lắng, bất an… thường tác động mạnh hơn đến hành vi mua hàng.

AMX là nhà cung cấp dược phẩm dành cho nam giới (cạnh tranh với Viagra bằng một hình thức phân phối khác: khám, tư vấn, kê toa và bán thuốc qua điện thoại – nhằm đáp ứng nhu cầu của đa số người không muốn đến gặp bác sĩ trực tiếp). Công ty này có khoảng 200 chuyên viên bán hàng tại trụ sở ở Sydney và mấy chục phòng mạch ở các tiểu bang Úc và một số quốc gia…

Thông thường một Sales ở AMX có doanh số 4.000 đô/ngày, tức 25.000 đô/tuần. Với hoa hồng 7% – trung bình, mỗi sales kiếm được 1.500 đô/tuần. Riêng Adam có thu nhập luôn gấp đôi mức ấy – thường đạt 3.000 đô hoa hồng hàng tuần – một cách khá dễ dàng & đều đặn. Bí quyết của anh là gì? Đó là nhờ một kịch bản bán hàng khác biệt.

Trong khi những Sales khác tập trung vào những lợi ích nếu dùng sản phẩm (tận hưởng cuộc sống, lấy lại tuổi thanh xuân, giữ gìn hạnh phúc, gia đình đầm ấm và niềm vui cho vợ…) thì Adam chỉ đề cập đến những mất mát nếu không dùng sản phẩm (thiếu tự tin, quan hệ vợ chồng bị ảnh hưởng, hạnh phúc gia đình bị thử thách và kết cục có thể chia tay, tan vỡ…). Bằng cách này, Adam luôn chốt deal nhiều hơn và doanh số tháng nào cũng gấp đôi chuyên viên khác.

Đây là hai kịch bản bán hàng khác nhau – và trong nhiều trường hợp đã giúp mang lại hiệu quả cũng rất khác nhau. Chúng được gọi là ‘selling gains’ (bán lợi ích) ‘selling pains’ (bán sợ hãi). Áp dụng tương tự đối với truyền thông và quảng cáo.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các yếu tố cảm xúc như sợ hãi, lo lắng, bất an… thường tác động mạnh hơn đến hành vi mua hàng. Trong nhiều trường hợp, khách hàng sẽ bị thôi thúc hơn nếu ý thức rằng sẽ bị ‘mất mát’ và ‘thiệt hại’ nếu không mua.

Ngược lại, đôi lúc những lợi ích như tiết kiệm thời gian, tăng lợi nhuận, giảm chi phí… lại chưa đủ mạnh để tác động đến quyết định mua (nôm na là khách hàng sợ bị thiệt hơn là vui vì lợi).

Tuy nhiên, chiến thuật này rất dễ bị lợi dụng dẫn đến ‘hù dọa’ hoặc các ‘thiệt hại’ có thể bị phóng đại hoặc trầm trọng quá mức nhằm tạo áp lực tâm lý cho khách hàng. Một khi người bán hàng chỉ biết quan tâm đến doanh số và lợi nhuận của mình thay vì quyền lợi của khách hàng – khả năng rất cao là điều này sẽ xảy ra. Giới hạn về sự chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là rất mong manh.

Thời gian qua, chiến thuật ‘selling pains’ được sử dụng nhiều qua các chiến dịch truyền thông và quảng cáo của các doanh nghiệp trong nước. Các sản phẩm bao gồm café, mì tôm cho đến rau, thịt hay phẫu thuật thẩm mỹ… với thông điệp đúng đắn và cần thiết đã giúp cho người tiêu dùng nhận thức rõ hơn hậu quả nên tránh của sản phẩm bẩn, dịch vụ kém để có hành vi mua sắm khôn ngoan hơn.

Tuy nhiên, thị trường và người tiêu dùng cũng dễ nhận ra dường như có chiến dịch đã được đẩy đi quá giới hạn, yếu tố ‘hù dọa’ được khai thác quá mức khiến cho các thông điệp truyền thông bị nghi ngờ về tính trung thực.

Nguồn: BrandsVietNam

Hãy yêu mến khách hàng!

Hãy yêu mến khách hàng!

Nếu bạn là một nhân viên sales, bạn đứng bán hàng trong cửa hàng của Apple, bạn nở nụ cười thật tươi và mặc một chiếc áo thun màu xanh, chắc chắn bạn sẽ bị đánh giá là một sales kém chuyên nghiệp.

Khi bạn có một ý tưởng mới để trình bày với ông chủ hoặc bạn đi gặp gỡ khách hàng tại các buổi hội thảo, bạn đang cố bán ý tưởng nhưng đồng thời cũng đang cố bán mình.

Do đó, chiến lược bán hàng của mỗi nhân viên sales thực chất là chiến lược làm sao để bán mình được giá và nhanh nhất. Hay nói cách khác, là làm cách nào để khách hàng thích bạn và mua sản phẩm của bạn nhanh nhất.

Hãy yêu mến khách hàng!

Hãy yêu mến khách hàng!

Theo nhà tâm lý học Robert Cialdini, làm cho khách hàng yêu mến bạn là một cách rất tuyệt vời để thuyết phục họ mua hàng của bạn. Nhưng đó lại không phải là cách hay nhất.

Và nếu bạn cứ tìm mọi cách để cho khách hàng thích mình mà bỏ quên đi một nguyên tắc “cốt tử” khác, thì bạn đã mất điểm hoàn toàn trong mắt khách hàng.

“Làm cho khách hàng yêu mến bạn ư? Cũng tốt thôi. Nhưng nếu muốn bán hàng “bách phát bách trúng” thì phải làm cho khách hàng nghĩ rằng bạn yêu mến họ trước đã” – nhà tâm lý học Robert Cialdini nói.

Sở dĩ nguyên tắc này quan trọng bởi ngay khi khách hàng nhận ra được rằng bạn yêu mến họ, khách hàng sẽ không còn đề phòng bạn. Mọi ràng buộc phòng thủ đều được phá vỡ và họ tin rằng bạn đang cố gắng cung cấp những thông tin cũng như dịch vụ tốt nhất cho họ.

“Khi yêu thương ai đó, chúng ta sẽ cố gắng mang lại những điều tốt đẹp nhất cho người mà mình yêu. Vậy thì không có lý do gì để khách hàng không đặt niềm tin vào một người yêu quý họ” – Cialdini lý giải.

Nhưng làm thế nào để có thể cho khách hàng thấy rằng bạn yêu quý họ? Theo Robert Cialdini, cách đơn giản nhất để nói với khách hàng rằng bạn yêu quý họ đó là tìm một điều gì đó ở khách hàng mà bạn cảm thấy thú vị và bình luận về nó. Chẳng hạn như cách nói chuyện tự tin và dễ gần của khách hàng, phong cách thời trang hoàn hảo… Chỉ cần bạn thực sự ấn tượng với một điều gì đó, hãy nói cho họ biết suy nghĩ của bạn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm ra những điểm tương đồng với khách hàng để cùng chia sẻ, chẳng hạn như sở thích chung hoặc quê quán.

“Một khi bạn nhận ra rằng mình và ai đó có những nét tương đồng, bạn sẽ cảm thấy có một sợi dây vô hình gắn kết mọi người lại với nhau. Họ sẽ yêu quý bạn như cách mà bạn đã yêu quý họ và tất nhiên, họ sẵn sàng ký hợp đồng với bạn khi đã có sự gắn kết” – nhà tâm lý học này kết luận.

Nguồn: BrandsVietNam

Khám phá sự thật ngầm hiểu trong quảng cáo

Nếu quảng cáo bắt nguồn từ sự thật ngầm hiểu (customer insight), thương hiệu có cơ hội rất lớn để đi vào tâm trí khách hàng. Nhưng có đến 60% quảng cáo đang không có customer insight.

Sẵn sàng đầu tư chi phí để có được một vị trí trên sóng truyền hình, nhưng rất nhiều đoạn quảng cáo khiến khán giả… chán ngán. Ngược lại, có những quảng cáo khiến người xem cảm thấy thích thú và đón nhận một cách rất tự nhiên… đó chính là những quảng cáo mà theo chuyên gia Hồ Công Hoài Phương, Giám đốc Kế hoạch (Planning Director) của Công ty Quảng cáo Dentsu One gọi là “có duyên”.

Trong một workshop gần đây của Học viện Thương hiệu Sage, chuyên gia này đã chia sẻ góc nhìn của mình từ chính trải nghiệm của ông trong quá trình hoạch định các chiến lược quảng cáo và xây dựng các TVC quảng cáo cho nhiều nhãn hàng lớn.

Tìm vấn đề trước khi tìm insight

Mấy năm trở lại đây, cùng với nhiều thuật ngữ khác, customer insight – “sự thật ngầm hiểu” được nhắc đến khá nhiều, thậm chí trở thành một từ thời thượng, một “bảo vật” mà doanh nghiệp nào cũng khát khao chiếm giữ để tìm được đường vào tâm trí khách hàng.

Giải thích khái niệm này, ông Hồ Công Hoài Phương cho biết, customer insight là những thông tin cực kỳ quan trọng về người tiêu dùng, công ty, đối thủ, ngành hàng… giải quyết một vấn đề của doanh nghiệp (cản trở sự phát triển của doanh nghiệp), từ đó giúp người làm marketing khám phá ra được ý tưởng thu hút được sự quan tâm của công chúng. Trong định nghĩa này, ông Phương đặc biệt nhấn mạnh vào yếu tố vấn đề mà doanh nghiệp muốn giải quyết “hãy xác định vấn đề, trước khi đi tìm insight”. Bởi lẽ chỉ khi xác định được vấn đề cần giải quyết, doanh nghiệp mới tìm được insight phù hợp và giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu của mình.

Lấy ví dụ, trong một chiến dịch truyền thông của St John Ambulance, vấn đề doanh nghiệp đặt ra là: đa phần mọi người đều chưa ý thức được về tầm quan trọng của việc sơ cứu thương. Để giải quyết vấn đề này, chiến dịch quảng cáo của họ là câu chuyện kể về một người đàn ông đã chiến thắng và sống sót qua căn bệnh ung thư, nhưng sau đó, ông lại bị chết một cách rất đáng tiếc chỉ vì không được sơ cứu kịp thời. Kết thúc mẩu quảng cáo, thương hiệu này đưa ra thông điệp: có đến 140.000 người được cứu hàng năm nếu như được sơ cứu thương kịp thời. Con số này cũng bằng với số người chết vì ung thư hàng năm. Đó là một sự thật gây sốc, cảnh báo sự nguy hiểm của việc nhận thức không đầy đủ về sơ cứu thương.

Theo ông Phương, một quảng cáo thành công nếu đạt được hai tiêu chí: quảng cáo thu hút và khiến người xem thay đổi nhận thức, hành vi sau khi xem quảng cáo. Và để đạt được điều này, một quảng cáo nói riêng – hay những kênh truyền tải thông điệp khác về thương hiệu, cần xuất phát từ insight. Bởi chỉ có bằng cách này, thương hiệu mới chạm được vào những cảm xúc, suy nghĩ, trăn trở của công chúng từ đó tạo ra sự thay đổi từ bên trong nhận thức của công chúng.

Nếu không bắt nguồn từ việc thấu hiểu tâm lý, nhu cầu, khao khát của khách hàng… thương hiệu sẽ rất khó để đi được vào tâm trí và nhận thức của công chúng.

Lấy ví dụ từ chính việc khám phá insight để làm lấy ý tưởng cho một TVC quảng cáo của mình, ông Phương chia sẻ trường hợp của Winner – dòng xe tay côn mới của Honda. Để bắt đầu cho việc tìm kiếm insight, câu hỏi được nhóm sáng tạo đặt ra là: tại sao người ta lái xe tay côn? Sau một loạt những khảo sát, tìm kiếm, từ những chia sẻ bình luận trên các diễn đàn, trang báo và các buổi phỏng vấn sâu… họ đã tìm ra ba câu trả lời chính: 1. Lái xe côn mang lại cảm giác thích thú cho người lái với cảm giác được hòa mình làm một với chiếc xe. Thứ 2, lái vì đam mê. Thứ 3, khi tất cả dừng lại đèn đỏ thì khi đèn chuyển sang màu xanh, người đi xe tay côn sẽ là người vượt lên đầu tiên. Kết quả là nhóm sáng tạo đã đưa ra được một concept TVC dung hoà cả ba yếu tố trên, với những thông điệp đánh vào khao khát chiến thắng và vượt lên phía trước, cùng với đó là câu slogan kết thúc: “Lái chất, sống trọn”. Có thể nói, việc đánh trúng “tim đen” của công chúng mục tiêu là một yếu tố góp phần tạo nên thành công của Winner. Theo một khảo sát của hãng, tỷ lệ nhận biết về thương hiệu trước cửa tiệm của Winner lên đến 98% (con số bình thường rơi vào khoảng 60%).

Rõ ràng, nếu không bắt nguồn từ việc thấu hiểu tâm lý, nhu cầu, khao khát của khách hàng… thương hiệu sẽ rất khó để đi được vào tâm trí và nhận thức của công chúng. Ông Phương nhấn mạnh, với hình thức phỏng vấn để lấy thông tin cho insight hoặc phục vụ cho việc kiểm chứng tính chính xác của insight, thay vì việc chỉ đặt câu hỏi, người phỏng vấn nên cố gắng khơi gợi để người được hỏi chia sẻ câu chuyện của mình. Đằng sau những lời chia sẻ đó rất có thể sẽ là những insight đắt giá cho doanh nghiệp. Điều quan trọng là người tìm insight phải có đủ sự nhạy cảm và tinh tế để “đọc” được những sự thật này.

Tạo ra giá trị và động lực mua hàng

Trong quá trình tìm kiếm insight, “tại sao” vẫn là câu hỏi quan trọng nhất để thấu hiểu suy nghĩ, cảm xúc của khách hàng. Thông thường, với một câu hỏi tại sao sẽ có rất nhiều cách trả lời khác nhau, đó cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp trong cùng một dòng sản phẩm, cùng chung tập khách hàng có thể tìm ra và chiếm giữ được những insight riêng cho mình.

Cũng với cách đặt câu hỏi tại sao, Uniqlo đã xây dựng một chiến dịch rất thành công trên toàn cầu, chiến dịch “Tại sao chúng ta mặc quần áo?”. Giám đốc sáng tạo của thương hiệu này, ông John Jay đã chia sẻ: “Bằng cách tạo ra một thương hiệu toàn cầu với thông điệp đến từ Nhật Bản, chúng tôi đã nói lên được chúng tôi là ai và nguồn gốc của mình. Sự tò mò vô tận của chúng tôi về việc khám phá ý nghĩa của quần áo đối với con người – là trái tim của chiến dịch”.

Một trong những điểm thành công của chiến dịch này, đó là với cách đặt câu hỏi tại sao, Uniqlo đã tạo ra một động lực để thôi thúc công chúng mua hàng. Ông Hồ Công Hoài Phương nhấn mạnh, động lực cùng với giá trị, chính là hai điểm cần thiết mà một insight tốt cần phải tạo ra, bởi điều này sẽ quyết định hiệu quả cuối cùng của quảng cáo: giúp thay đổi nhận thức, hành vi và thúc đẩy khách hàng trả tiền để mua sản phẩm. Vì lẽ đó, một insight tốt không chỉ thu hút sự quan tâm của công chúng với thương hiệu, làm cho mẩu quảng cáo trở nên có duyên mà hơn thế, insight tốt có thể giúp doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, một insight tốt còn góp phần quan trọng trong việc định vị thương hiệu, gắn với bốn chữ P: lời hứa (Promise), mục đích (Purpose), khả năng (Performance) và quan điểm (Point of View). Nếu tìm được một insight tốt, một góc nhìn mới mẻ, thương hiệu có cơ hội tạo ra sự đồng cảm, chia sẻ cũng như tình yêu của người tiêu dùng. Có thể kể đến thành công của Dove. Dòng sản phẩm chăm sóc sắc đẹp dành cho nam của thương hiệu này phải đối diện với một định kiến cố hữu của nhiều người: nam giới mà dành quá nhiều thời gian để chăm sóc vẻ ngoài thường là những người không được mạnh mẽ và có phần hơi “nữ tính”. Nhãn hàng này đã thay đổi định kiến này với việc đưa ra một nội dung truyền thông hoàn toàn mới, trong đó kể về câu chuyện của những ông bố tuyệt vời luôn là điểm tựa, chăm sóc và yêu thương những người thân yêu trong gia đình. Thông điệp Dove đưa ra trong chiến dịch, không chỉ liên kết rất chặt chẽ với thương hiệu mà còn chạm vào điều mà công chúng đang băn khoăn, dỡ bỏ định kiến về việc người đàn ông chăm sóc bản thân: sự quan tâm khiến người đàn ông trở nên mạnh mẽ hơn (care makes a man stronger). Rõ ràng, nếu không bắt nguồn từ việc thấu hiểu người tiêu dùng, thấu hiểu những vấn đề mà họ gặp phải, Dove khó lòng đưa ra một thông điệp truyền thông thành công như vậy.

Có một sự thật khác được một chuyên gia trong ngành marketing đưa ra là có đến khoảng 60% quảng cáo trên truyền hình không có insight nào. Đó sẽ là một sự lãng phí rất lớn. Bởi vậy, lời khuyên của các chuyên gia dành cho doanh nghiệp là trước khi chi tiền cho quảng cáo, truyền thông, hãy dành thời gian để tìm hiểu insight công chúng của mình.

Lưu ý khi tìm Customer Insight

  • Xác định được vấn đề cần giải quyết.
  • Tìm hiểu tâm lý, nhu cầu, khao khát của khách hàng bằng câu hỏi “tại sao”.
  • Khơi gợi để người được hỏi chia sẻ câu chuyện của mình.
  • Định vị thương hiệu, gắn với bốn chữ P: lời hứa (Promise), mục đích (Purpose), khả năng (Performance) và quan điểm (Point of View).

Nguồn: BrandsVietNam