Người tiêu dùng Việt Nam chắc không xa lạ gì với những câu chuyện nước mắm thời gian gần đây, nhưng trên thực tế những trường hợp về truyền thông bóp méo sự thật đã và đang diễn ra vô cùng phổ biến trên thế giới.
New Balance
Thương hiệu giày New Balance của Reebok đã gặp phải một phen khốn đốn sau cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Câu chuyện nghe có vẻ lạ nhưng đây lại là sự thật.
Mọi chuyện bắt đầu khi phòng truyền thông của New Balance đăng dòng viết “Tổng thống Barack Obama không nghe thấy tiếng nói của chúng tôi. Thành thật mà nói, chúng tôi cảm thấy Tổng thống mới đắc cử Donald Trump mới là người đang đi đúng hướng” trên trang mạng xã hội của hãng.
Mặc dù người phát ngôn của New Balance đã giải thích rằng câu trên chỉ mang tính chất ủng hộ quan điểm chống hiệp định thương mại TPP của tỷ phú Trump nhưng giới truyền thông và mạng xã hội lại cho rằng hãng giày này có quan điểm bài ngoại.
Kết quả là vào ngày 17/11 vừa qua, mạng xã hội Twitter tràn ngập những hình ảnh người tiêu dùng đốt, ném, phá hủy các sản phẩm New Balance với mục địch biểu tình chống chủ nghĩa bài ngoại.
Cũng vào ngày 17/11, những thông tin, bình luận tiêu cực về New Balance tràn ngập truyền thông và các mạng xã hội. Tỷ lệ bình luận tiêu cực về hãng chiếm tới 78%, mức tăng 75% so với trước đó. Trong khi đó, số chủ đề bình luận về New Balance cũng tăng 100% và phá kỷ lục từ đầu năm đến nay về tốc độ lan truyền hình ảnh của hãng trên truyền thông.
Tuy nhiên, có lẽ công ty chủ quản của New Balance là Reebok không mấy vui khi thương hiệu của hãng bị lan truyền theo kiểu này. Vì vậy, hãng đã có chiến lược khá thông minh là gửi tặng giày miễn phí cho tất cả những người đã đốt phá sản phẩm họ mua của hãng để biểu tình.
Chiến lược kiểm soát thiệt hại hiệu quả này của Reebok không chỉ làm giảm cơn giận dữ của người tiêu dùng mà còn khiến mọi người bàn tán nhiều hơn về thương hiệu New Balance.
Pepsi
Trong khi New Balance gặp rắc rối với dòng viết của họ trên mạng xã hội thì trường hợp của Pepsi lại khó giải quyết hơn.
Mọi chuyện bắt đầu khi nhiều nguồn tin cho biết CEO Indra Nooyi của hãng đã bảo rằng công ty không muốn làm ăn với những người ủng hộ tỷ phú Trump.
Mặc dù Pepsi đã giải thích rằng CEO Nooyi chỉ muốn đảm bảo sự đoàn kết trong công ty giữa 2 nhóm người ủng hộ bà Hillary Clinton và ông Trump cũng như không có ý định chỉ trích gì, nhưng truyền thông và mạng xã hội lại hiểu hoàn toàn khác.
Ngay lập tức, những bình luận và quan điểm tích cực về Pepsi đã giảm từ 72% trên mạng xuống chỉ còn 4,5% và lượng bài viết nhận định liên quan đến hãng tăng đột biến 50% chỉ qua 1 đêm.
Rõ ràng, sự nguy hại của truyền thông bóp méo có thể ảnh hưởng đến sự sống còn của cả 1 thương hiệu hay công ty. Nếu đây chỉ là hiểu nhầm đơn thuần thì chuyện sẽ dễ nói, nhưng nếu tình trạng này bị các cá nhân, tổ chức lợi dụng để cạnh tranh không lành mạnh thì đây quả là điều tai hại.
Trước tình hình này, Facebook đã buộc phải có chính sách nhằm hạn chế những thông tin sai lệch trên mạng xã hội, qua đó giảm thiểu sự nhận thức sai lệch của người dùng hiện nay.
“Tôi cho rằng quan điểm những thông tin giả, sai sự thật trên Facebook, dù chỉ chiếm một phần rất nhỏ tổng lượng thông tin cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử bằng cách nào đó là một nhận định quá điên rồ”, CEO Mark Zuckerberg đã phải bào chữa cho việc mạng xã hội tham gia quá nhiều vào cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm nay.
Nguồn: Thời đại