Tag Archives: truyền thông

Truyền thông năm 2017: Giới trẻ chẳng ai buồn xem TV

Truyền thông năm 2017: Giới trẻ chẳng ai buồn xem TV

Người xem cần sự đa dạng, toàn cầu và trải nghiệm xã hội nhiều hơn.

Truyền thông năm 2017: Giới trẻ chẳng ai buồn xem TV, mọi người đang xem video online nhiều hơn bao giờ hết

Tôi nhớ lại cách đây không lâu lắm khi tôi đang ở trong phòng khách sạn với lũ trẻ, tập dượt lại bài trình bày về marketing với các chuyên gia của công ty. Bài diễn thuyết đi vào quan điểm của tôi về vai trò của việc thay đổi cách hoạt động của các kênh truyền hình cũ với sự phát triển của các kênh truyền thông tương tác hiện tại. Với tôi, truyền hình vẫn giữ quan trọng trong thế giới chúng tôi từng sinh ra và lớn lên. Nhưng ngày nay vị trí đó đã được nhường lại cho các kênh truyền thông trực tuyến. Để kết thúc bài trình bày, tôi hỏi suy nghĩ của mấy đứa trẻ về việc này.

“Con cũng không rõ mẹ ạ,” con trai tôi nói. “Con không xem TV”.

CEO YouTube Susan Wojcicki
CEO YouTube Susan Wojcicki

Sẽ là không dễ dàng để nhiều người có thể chấp nhận thực tế rằng thế hệ trẻ ngày nay đã không còn gắn bó với TV như chúng ta đã từng. 5 năm trở lại đây theo số liệu của Nielsen, khối lượng thời gian xem truyền hình của nhóm 25 tuổi đến 34 tuổi đã giảm khoảng 25,6%. Với nhóm trẻ hơn, khoảng cách này thậm chí còn lớn hơn – ở mức 37,9%. Đó cũng là lý do vì sao 834.000 người Mỹ đã huỷ dịch vụ truyền hình cáp của họ trong quý II năm 2016 vừa qua, một con số không hề vui vẻ cho ngành truyền hình.

Người ta đang xem video nhiều hơn bao giờ hết, với hơn 6 tiếng/ngày trong năm 2016 so với 5 tiếng/ngày tại thời điểm 2011, theo số liệu của Activate – công ty tư vấn về truyền thông. Thực tế, xem video là cách thức phổ biến nhất người Mỹ sử dụng trong thời gian rảnh của mình, hoạt động chỉ xếp sau thời gian dành cho làm việc và ngủ.

Những xu thế song song giữa việc người ta đang xem video trực tuyến nhiều hơn và xem TV ít hơn này chỉ ra cho tôi 2 điều:

Đầu tiên, người xem rõ ràng muốn được tiếp cận các nội dung đa dạng hơn.

Mô thức kinh doanh của truyền hình truyền thống được xây dựng dựa trên nguyên lý không mới: sự khan hiếm – chỉ hạn chế nội dung phát sóng trên một số kênh nhất định, trong một khoảng thời gian nhất định và tại một số khu vực địa lý cụ thể. Nhưng nếu nội dung trở nên quá khó khăn để tiếp cận, nội dung đó hoàn toàn có thể bị bỏ lỡ hoặc lãng quên. Giờ đây, đưa cho người xem cách thức dễ dàng hơn để tiếp cận nội dung – dựa trên đúng nhu cầu của họ, có thể xem trên bất kỳ thiết bị nào, với ít hạn chế nhất có thể, trở thành tôn chỉ quan trọng hơn bao giờ hết.

Thứ hai, ai cũng muốn được chủ động lựa chọn nội dung mình muốn xem: thể loại nội dung nào, độ dài nào, định dạng nào, tác giả nào, khu vực nào.

Điều này một lần nữa được khẳng định khi tạp chí Variety thực hiện một điều tra vào 2015 khi hỏi giới trẻ Mỹ: ai là người họ quan tâm nhất. Kết quả bất ngờ khi 8/10 người được quan tâm nhiều nhất không phải là ngôi sao điện ảnh hay nhạc sĩ mà là các “hot YouTuber”. Khảo sát tương tự cũng cho ra kết quả không khác tại Anh, Brazil và Phần Lan.

YouTube đang hỗ trợ chính những ngôi sao này xây dựng một nền kinh tế mới, nơi mỗi chủ tài khoản YouTube cũng hoạt động không khác gì một nhà điều hành kênh truyền hình của mình. Không phải xin phép, họ xây dựng nội dung và chia sẻ trực tiếp với tất cả các khán giả. Và hơn cả xuất hiện, YouTube trở thành nơi để các chủ tài khoản sản xuất, đạo diễn, biên tập và quảng cáo các video đa dạng của họ. Mặc dù một số người xuất phát từ việc quay clip trong phòng ngủ, nhiều người đã phát triển sự nghiệp của mình đa dạng hơn rất nhiều bằng việc viết sách, kinh doanh các thương hiệu nhượng quyền hay đi du lịch. Và đây sẽ là xu thế mới của các công ty truyền thông trong tương lai!

Không có trên TV

Và các kênh truyền thông trực tuyến sẽ tiếp tục là nơi sản xuất ra các nội dung bạn không bao giờ tìm thấy trên TV.

Một chương trình về yoga trên TV tại Mỹ có thể không thu hút đủ người xem, nhưng một kênh trực tuyến hoàn toàn có thể làm được điều đó bằng việc thu hút hàng triệu tín đồ yoga qua online. Các video trực tuyến được xây dựng dựa trên nhu cầu thực sự của người xem, trong đó các video dạng “làm thế nào” hoặc các video mang tính chất giáo dục là những thể loại được theo dõi nhiều nhất trên YouTube.

Khi con trai tôi cần tìm kiếm lời giải cho một bài kiểm tra về Lượng giác, nó không thể mòn mỏi chờ đến bao giờ TV sản xuất một chương trình như vậy (hoặc có thể không bao giờ), nhưng nó hoàn toàn có thể click chuột và tìm câu trả lời qua các video về Toán học trực tuyến.

Thực tế video trực tuyến là kênh giúp hàng triệu người học những điều mới mỗi ngày: các chủ đề mới, cách sửa chữa các thiết bị gia dụng hay đơn giản là những kỹ năng mới. Huy chương Bạc ném lao trong Olympic 2016 vừa qua là một vận động viên người Kenya – Julius Yego, người đã tự dạy mình ném lao bằng việc xem các video trên YouTube.

Thông điệp người tiêu dùng truyền đi đã quá rõ: Họ cần sự đa dạng, toàn cầu và trải nghiệm xã hội nhiều hơn.

Thông điệp này cần được các nhà sản xuất nhìn nhận nghiêm túc để có thể tiếp cận các khán giả trẻ trong 2017 và xa hơn. Đơn cử, nếu bạn là một chính trị gia và muốn thông điệp của mình lan toả tới lớp trẻ, bạn phải thành thục các sử dụng truyền thông số. Có lẽ đó cũng là lý do gì sao buổi phỏng vấn đầu tiên của Tổng thống Barack Obama sau bài diễn văn cuối cùng của mình không được thực hiện trên CNN mà lại được thực hiện với 3 Youtuber: Destin Sandlin, SwooZie và Ingrid Nilsen.

Đây – là thời điểm của những thay đổi lớn, nhưng cũng là thời điểm cho những cơ hội lớn trong lĩnh vực truyền thông. Bằng cách tối ưu hoá các nền tảng công nghệ để đưa cho người xem những gì họ thật sự tìm kiếm, chúng ta có thể tăng cường thêm nhiều tiếng nói và chắc chắn sẽ tiếp cận được khán giả ở khắp nơi trên thế giới.

Theo Trí Thức Trẻ

8 giây - Tin tức có gây được chú ý?

8 giây – Tin tức có gây được chú ý?

Trong thập kỷ vừa qua, chúng ta đã thích nghi các khoảng chú ý với những thay đổi của truyền thông tin tức. Nhưng tương lai có thể sẽ mang đến điều ngược lại – truyền thông tin tức sẽ thích nghi với chúng ta. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến tương lai của tin tức?

Theo trang Venturebeat, một nghiên cứu người tiêu dùng mới đây của Microsoft khẳng định khoảng chú ý của con người hiện nay là 8 giây, thấp hơn so với con số 12 giây hồi năm 2000. Thậm chí con số này còn thấp hơn khoảng chú ý của loài cá vàng (9 giây).

Trong một thập kỷ qua, với sự ra đời của truyền thông xã hội, tâm trí chúng ta dường như đã tiến hóa để thích nghi với luồng thông tin không ngừng nghỉ từ sự kết hợp giữa truyền thông tin tức và truyền thông xã hội.

Trong thời gian này, nhiều hãng truyền thông tin tức đã chuyển dịch từ báo in sang trang tin trực tuyến trong khi vẫn duy trì mô hình kinh doanh phụ thuộc nhiều vào quảng cáo.

Một số công ty truyền thông đã phát hiện ra công thức làm thay đổi cuộc chơi với truyền thông xã hội – càng nhiều lượt chia sẻ tin tức đồng nghĩa với việc càng có nhiều lần nhấp chuột vào quảng cáo và nhiều thu nhập hơn. Và khi truyền thông xã hội ngày càng trở thành nguồn tin chủ đạo, các hãng truyền thông tin tức lại càng trở nên phụ thuộc vào nó.

Nguồn: Microsoft.

Mới chỉ vài năm trước, 68% các nhà báo đã cho rằng báo chí không thể tiếp tục hoạt động mà không có truyền thông xã hội.

Năm 2015, truyền thông xã hội đã thu hút truy cập vào các trang tin tức nhiều hơn so với các công cụ tìm kiếm. Hiện nay, doanh thu từ quảng cáo trực tuyến đã chiếm 36% tổng doanh thu quảng cáo của tờ New York Times và 70% doanh thu quảng cáo của tờ Forbes.

Ngoài ra, nhiều công ty truyền thông tin tức không có phiên bản báo in rất thành công cũng được sinh ra từ kỷ nguyên phát triển phương tiện truyền thông xã hội này, như Huffington Post (2005), BuzzFeed (2006, cùng năm với Twitter), Business Insider (2009), Mic (2011) và Quartz (2012).

Nói ngắn gọn thì khi truyền thông tin tức ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội như một phương tiện, và truyền thông xã hội cũng ngày càng thâm nhập sâu vào đời sống của chúng ta, con người dường như đã thích nghi khoảng chú ý của mình với cơn lũ thông tin mới này.

Chúng ta cần tìm ra cách xử trí với những đợt tin tức mới liên tiếp ập đến, vì thế chúng ta đã rút ngắn khoảng chú ý từ 12 giây xuống còn 8 giây để có thể làm được nhiều việc một lúc, đặt thứ tự ưu tiên và tiêu thụ tin tức một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra trong mối quan hệ gần như là tiến hóa giữa khoảng chú ý của chúng ta và truyền thông tin tức? Chúng ta có sớm đạt đến khoảng 7, 6 hay thậm chí là 5 giây không? Chuyện đó còn chưa chắc. Thực tế, chúng ta đang ở giai đoạn bước ngoặt trong mối quan hệ này – truyền thông tin tức đang thích nghi với chúng ta.

Các hãng tin đang bắt đầu cảm nhận được những tác động kinh tế của khoảng chú ý, rằng lượng tin tức càng nhiều thì sự chú ý càng ngắn, và vì thế, họ cần phải phân bổ sự chú ý một cách hiệu quả.

Dù chỉ được áp dụng cho kỷ nguyên truyền thông xã hội khoảng 10 năm qua, đây không phải là một khái niệm mới. Năm 1969, Herbert A. Simon, người giành giải Nobel, từng viết: “…trong một thế giới thông tin phong phú, thông tin dồi dào đồng nghĩa với sự thiếu hụt một thứ khác: sự khan hiếm của bất cứ thứ gì được thông tin tiêu thụ. Thứ mà thông tin tiêu thụ khá rõ ràng: nó chiếm lấy sự chú ý của những người nhận thông tin. Do đó sự dồi dào về thông tin tạo ra sự thiếu thốn về chú ý và dẫn đến nhu cầu phân bổ sự chú ý một cách cụ thể giữa các nguồn tin quá mức dồi dào.”

Khi truyền thông xã hội ngày càng trở thành nguồn tin chủ đạo, các hãng truyền thông tin tức lại càng trở nên phụ thuộc vào nó.

Trong nghiên cứu của mình, Simon đã đề cập đến cơn lũ thông tin từ các máy tính khổng lồ của kỷ nguyên đã qua, nhưng lý thuyết của ông cũng có thể được áp dụng cho cơn lũ thông tin từ mạng xã hội và truyền thông tin tức ngày nay. Và bây giờ, khi chúng ta đang tiếp cận kỷ nguyên khan hiếm sự chú ý với các hãng tin tức, điều này có ý nghĩa gì với xuất bản và báo chí?

1. Các định dạng ngắn hơn và giàu tính tương tác hơn

Khoảng thời gian chú ý ngắn đi của chúng ta không phải yếu tố duy nhất gây nên sự thay đổi về số từ trong một bản tin. Với đại đa số các hãng tin ngày nay, điện thoại di động đã làm tăng lưu lượng truy cập hơn so với trang web, tức là viêc tối ưu hóa màn hình điện thoại nhỏ xíu cần là một mục tiêu ưu tiên của họ. Cả hai yếu tố này đều đang thúc đẩy sự sụt giảm về độ dài trung bình của một bài báo tin tức.

Ví dụ, hồi năm 2014, Associated Press, hãng tin độc lập lớn nhất thế giới, đã kêu gọi các nhà báo của mình duy trì các bài báo chỉ trong khoảng 300-500 từ. Thư điện tử, một khái niệm dường như đã lỗi thời và không hấp dẫn, lại trở thành phương tiện truyền tải newsletter, một định dạng dựa trên tóm tắt ngắn gọn mà nhiều hãng tin đang thử nghiệm.

Ngoài việc giảm số từ trung bình của bài viết, đầu tư và thử nghiệm với các định dạng tương tác (chứa ít từ hơn nữa) ngày càng tăng lên, ví dụ như ứng dụng thực tế ảo của New York Times dành cho Google Cardboard, ứng dụng chatbot (trả lời tự động) của Quartz, các chatbot của CNN/Wall Street Journal/BuzzFeed trong ứng dụng Facebook Messenger, các kênh Periscope, Snapchat Discover và các công ty khởi nghiệp như Hardbound.

2. Nâng tầm quan trọng của các bài viết tin tức dài

Điều này ban đầu nghe có vẻ mâu thuẫn nếu so sánh với những gì mới nêu ở điều 1. Nhưng mặc dù khoảng chú ý ngắn lại, chúng ta vẫn đọc những bài viết cuốn hút và mang tính phân tích (từ 1.000 từ trở lên).

NewsWhip đã xem xét 10 câu chuyện tin tức hàng đầu trên Facebook của 5 nhà xuất bản tin tức lớn trong năm 2013 và phát hiện ra rằng những câu chuyện tin tức này hoặc là cực ngắn (dưới 300 từ) hoặc là khá dài. Tốp 10 câu chuyện tin tức hay nhất của New York Times có số từ trung bình cao nhất là khoảng 2.000 từ.

Tổng biên tập Kevin Delaney của Quartz cũng đồng tình với giả thuyết này. Ông cho biết trong năm 2013, Quartz đã đăng các bài viết dưới 500 từ hoặc trong khoảng 1.200 từ.

Ảnh: i-grafix.com.

Vậy là dường như chúng ta vẫn có thiên hướng đọc những tin tức dài bất chấp khoảng chú ý bị thu ngắn lại. Chúng ta sẵn sàng chủ động duy trì khoảng chú ý của mình, nhưng chỉ khi chất lượng bài viết thực sự thú vị và hấp dẫn.

Chúng ta lựa chọn kỹ lưỡng hơn những gì xứng đáng dành nhiều thời gian để đọc, tức là các hãng tin tức cần bắt đầu dành nhiều nguồn lực hơn để sản xuất ra những bài viết dài có chất lượng. Ví dụ, một trong 10 câu chuyện hàng đầu của New York Times hồi tháng 11/2013 là một bài viết về những người Australia nhập cư dài hơn 10.000 từ, tương đương với một câu chuyện ngắn.

Về cơ bản, mặc dù đa phần các bài viết của một hãng tin sẽ ở dạng ngắn gọn (như điều 1), nhưng số bài viết còn lại sẽ là những bài viết dài và có chất lượng cực kỳ cao (điều 2). Chúng ta có thể sẽ dần nhìn thấy những tin tức có độ dài tầm trung biến mất.

3. Chủ nghĩa cảm tính

Ngoài việc thực sự đọc các bài viết, chúng ta cũng dành nhiều thời gian chỉ đọc các tiêu đề. Khoảng 60% người Mỹ thừa nhận chỉ liếc nhanh qua phần tiêu đề.

Không có gì đáng ngạc nhiên: chúng ta dành vài giây cho mỗi tiêu đề rồi lại đi tiếp bởi chúng ta có quá nhiều thông tin cần xem. Vậy một nhà báo cần làm gì nếu muốn có độc giả thực sự? Hãy tạo những tiêu đề thu hút sự chú ý.

Nhưng đi kèm với những tiêu đề thu hút sự chú ý cũng là phần nội dung có phần câu khách. Điều này không có nghĩa là các cơ quan báo chí uy tín sẽ bắt đầu dùng chiến lược “câu view” – điều mà chúng ta không còn lạ lẫm. Thay vào đó, chúng ta sẽ thấy xu hướng giảm tính trung dung trong báo chí.

Một nghiên cứu của Edelman cho thấy do sự phụ thuộc vào mạng xã hội, 75% nhà báo cảm thấy áp lực phải tạo ra những nội dung có yếu tố lan tỏa, và yếu tố đó thường ẩn chứa nguy cơ về những nội dung câu khách. Nó như một con dốc trơn tuột vậy và đó cũng là lý do dẫn đến cuộc “khủng hoảng tin vịt” gần đây liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Tóm lại, đây là ba ảnh hưởng của khoảng chú ý bị ngắn lại mà chúng ta sẽ quan sát thấy ở truyền thông tin tức. Thời thế đã thay đổi, và quyền lực của độc giả dường như đã trở nên lớn mạnh hơn bao giờ hết.

Nguồn: BrandsVietNam

Truyền thông bóp méo: Mối nguy hại khôn lường

Truyền thông bóp méo: Mối nguy hại khôn lường

Người tiêu dùng Việt Nam chắc không xa lạ gì với những câu chuyện nước mắm thời gian gần đây, nhưng trên thực tế những trường hợp về truyền thông bóp méo sự thật đã và đang diễn ra vô cùng phổ biến trên thế giới.

New Balance

Thương hiệu giày New Balance của Reebok đã gặp phải một phen khốn đốn sau cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Câu chuyện nghe có vẻ lạ nhưng đây lại là sự thật.

Mọi chuyện bắt đầu khi phòng truyền thông của New Balance đăng dòng viết “Tổng thống Barack Obama không nghe thấy tiếng nói của chúng tôi. Thành thật mà nói, chúng tôi cảm thấy Tổng thống mới đắc cử Donald Trump mới là người đang đi đúng hướng” trên trang mạng xã hội của hãng.

Mặc dù người phát ngôn của New Balance đã giải thích rằng câu trên chỉ mang tính chất ủng hộ quan điểm chống hiệp định thương mại TPP của tỷ phú Trump nhưng giới truyền thông và mạng xã hội lại cho rằng hãng giày này có quan điểm bài ngoại.

Kết quả là vào ngày 17/11 vừa qua, mạng xã hội Twitter tràn ngập những hình ảnh người tiêu dùng đốt, ném, phá hủy các sản phẩm New Balance với mục địch biểu tình chống chủ nghĩa bài ngoại.

Cũng vào ngày 17/11, những thông tin, bình luận tiêu cực về New Balance tràn ngập truyền thông và các mạng xã hội. Tỷ lệ bình luận tiêu cực về hãng chiếm tới 78%, mức tăng 75% so với trước đó. Trong khi đó, số chủ đề bình luận về New Balance cũng tăng 100% và phá kỷ lục từ đầu năm đến nay về tốc độ lan truyền hình ảnh của hãng trên truyền thông.

Tuy nhiên, có lẽ công ty chủ quản của New Balance là Reebok không mấy vui khi thương hiệu của hãng bị lan truyền theo kiểu này. Vì vậy, hãng đã có chiến lược khá thông minh là gửi tặng giày miễn phí cho tất cả những người đã đốt phá sản phẩm họ mua của hãng để biểu tình.

Chiến lược kiểm soát thiệt hại hiệu quả này của Reebok không chỉ làm giảm cơn giận dữ của người tiêu dùng mà còn khiến mọi người bàn tán nhiều hơn về thương hiệu New Balance.

Pepsi

Trong khi New Balance gặp rắc rối với dòng viết của họ trên mạng xã hội thì trường hợp của Pepsi lại khó giải quyết hơn.

Mọi chuyện bắt đầu khi nhiều nguồn tin cho biết CEO Indra Nooyi của hãng đã bảo rằng công ty không muốn làm ăn với những người ủng hộ tỷ phú Trump.

Mặc dù Pepsi đã giải thích rằng CEO Nooyi chỉ muốn đảm bảo sự đoàn kết trong công ty giữa 2 nhóm người ủng hộ bà Hillary Clinton và ông Trump cũng như không có ý định chỉ trích gì, nhưng truyền thông và mạng xã hội lại hiểu hoàn toàn khác.

Ngay lập tức, những bình luận và quan điểm tích cực về Pepsi đã giảm từ 72% trên mạng xuống chỉ còn 4,5% và lượng bài viết nhận định liên quan đến hãng tăng đột biến 50% chỉ qua 1 đêm.

Rõ ràng, sự nguy hại của truyền thông bóp méo có thể ảnh hưởng đến sự sống còn của cả 1 thương hiệu hay công ty. Nếu đây chỉ là hiểu nhầm đơn thuần thì chuyện sẽ dễ nói, nhưng nếu tình trạng này bị các cá nhân, tổ chức lợi dụng để cạnh tranh không lành mạnh thì đây quả là điều tai hại.

Trước tình hình này, Facebook đã buộc phải có chính sách nhằm hạn chế những thông tin sai lệch trên mạng xã hội, qua đó giảm thiểu sự nhận thức sai lệch của người dùng hiện nay.

“Tôi cho rằng quan điểm những thông tin giả, sai sự thật trên Facebook, dù chỉ chiếm một phần rất nhỏ tổng lượng thông tin cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử bằng cách nào đó là một nhận định quá điên rồ”, CEO Mark Zuckerberg đã phải bào chữa cho việc mạng xã hội tham gia quá nhiều vào cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm nay.

Nguồn: Thời đại

Nghệ thuật 'chơi đùa' truyền thông của Donald Trump

Nghệ thuật ‘chơi đùa’ truyền thông của Donald Trump

Donald Trump liên tục gây sự chú ý để luôn giữ độ “phủ sóng” trên truyền thông và thậm chí còn chơi khăm họ.

Trong khoảng thời gian chỉ 24 giờ vào tuần này, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã tạo ra những cơn lốc xoáy cho thấy trước những điều kịch tính mà ông có khả năng mang tới Nhà Trắng.

Ông Trump đã triệu tập hai chục nhà điều hành truyền hình và người dẫn chương trình tin tức đến văn phòng vào ngày 21/11 để trách móc họ là không trung thực. Ông gợi ý chính phủ Anh bổ nhiệm thủ lĩnh Brexit (phong trào đưa Anh rời khỏi EU) Nigel Farage làm đại sứ tại Mỹ. Ông bỏ lời đe dọa truy tố đối thủ Dân chủ Hillary Clinton mặc dù “nhốt bà ta vào tù” từng là một trong những khẩu hiệu vang lên nhiều nhất tại chiến dịch tranh cử của ông.

Sau đó, ngày 22/11, ông Trump có cuộc gặp với New York Times, tờ báo ông từng nhạo báng là “ngày càng lụi tàn”. Thời gian cuộc gặp liên tục bị thay đổi. Trong cuộc gặp, ông dịu giọng về biến đổi khí hậu, bỏ ngỏ ý tưởng rằng con rể mình có thể làm trung gian hòa bình ở Trung Đông, đưa ra nghi ngờ mới về hiệu quả của việc tra tấn nghi phạm khủng bố, chỉ trích đảng viên Cộng hòa từng nghi ngờ ông và vẫn không nói rõ bằng cách nào hay liệu ông có tách mình khỏi đế chế kinh doanh toàn cầu để tránh xung đột lợi ích hay không.

Donald Trump chào đám đông tập trung ở sảnh tòa nhà của New York Times ngày 22/11. Ảnh: Reuters.

Chào mừng đến với thế giới của Trump, một bộ phim kịch tính không có hồi kết, trong đó diễn viên đi từ tranh cãi này đến tranh cãi khác với một loạt bài đăng trên Twitter và những bình luận bột phát với giới truyền thông, Philip Rucker, nhà bình luận của Washington Post, viết.

Điều này có thể trở thành điều thường ngày ở Washington khi tỷ phú dọn vào Nhà Trắng. “Ông ấy giống như nhân vật trong tiểu thuyết”, Sam Nunberg, một cựu cố vấn của ông Trump nói. “Người Mỹ chưa từng có một ông trùm – một doanh nhân thành công, nổi tiếng, hiểu rõ báo lá cải và truyền thông và kiếm lợi ích từ họ”, Nunberg nói.

Sean Wilentz, một nhà sử học về tổng thống tại Đại học Princeton, nói rằng “sự náo động như chương trình thực tế” mà ông Trump mang đến là nổi bật và chưa có tiền lệ. “Chưa hề có tổng thống đắc cử chứ đừng nói đến tổng thống lại mang đến nhiều sự kịch tính như ông Trump”, ông nói. “5 cuộc khủng hoảng trong một ngày – và còn nhiều đợt sóng khác sắp tới”.

Qua hơn 4 thập kỷ trên thương trường, ông Trump là người phá vỡ quy tắc khó thể đoán trước và có phần ranh mãnh. Ông thích kể lại việc mình từng là cậu học trò hư, việc ông thuyết phục được các ngân hàng giữ quyền kiểm soát của ông với đế chế casino ngay cả sau khi công ty hứng chịu một loạt vụ phá sản.

“Cứ được truyền thông chú ý là tốt”, luật sư Roy Cohn, người từng cố vấn cho ông Trump, đã nói. Ông Trump khắc sâu lời khuyên đó, cung cấp cho phóng viên một nguồn tin tức ổn định những câu chuyện về cuộc sống “dân chơi”, phong cách kinh doanh nổi loạn, lập trường gây tranh cãi và các thị phi khác. Năm 1990, khi các báo lá cải liên tục đưa tin về cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ của ông Trump, tỷ phú nói rằng: “Buổi biểu diễn là của Trump và ở đâu cũng cháy vé”.

Ông Trump đã được quảng cáo miễn phí, với tần suất xuất hiện trên truyền thông có giá trị tương đương 5,2 tỷ USD.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump dường như không quá khó chịu hay lúng túng khi bị báo chí “bóc mẽ” rằng ông đưa ra các quan điểm mâu thuẫn với chính mình về các vấn đề như phá thai hay chiến tranh Iraq. “Ai quan tâm đến điều tôi nói 10 năm trước đây?”, ông hỏi trong một cuộc phỏng vấn tháng 6 với Washington Post. “Chẳng ai, ngoại trừ các anh”, tỷ phú nói.

Ông Trump đã giải thích rằng khi ông nói chuyện với đám đông tại các cuộc vận động, ông thường không nhìn xuống phía khán giả mà nhìn vào các máy quay truyền hình, kiểm tra xem đèn đỏ trên các máy quay có sáng không, tức là lời nói của ông có được phát sóng trên truyền hình hay không.

“Tôi sẽ nói điều gì đó mới để giữ cho đèn đỏ đó sáng mãi”, ông Trump nói – và nếu điều đó mâu thuẫn với những gì ông đã nói hàng năm hoặc thậm chí vài tuần trước, điều đó cũng không quan trọng bằng việc giữ cho đèn đỏ không tắt, Rucker nhận xét.

Chơi khăm

Ben Smith, tổng biên tập của BuzzFeed, hồi đầu năm chỉ ra rằng tài khoản Twitter của ông Trump không chỉ như một cái loa lớn truyền trực tiếp tiếng nói của ông đến người theo dõi (tỷ phú có 13 triệu người theo dõi trên Twitter vào ngày bầu cử), mà nó cũng là nguồn cung cấp kịch bản cho các bản tin trên truyền hình. Ông Trump sẽ tweet những lời công kích mới vào sáng sớm, và ngay vào đầu giờ làm việc, biên tập viên sẽ biến nó thành tin tức nóng nhất trong ngày, theo Guardian.

Theo một nghiên cứu của mediaQuant, ông Trump đã được quảng cáo miễn phí, với tần suất xuất hiện trên truyền thông có giá trị tương đương 5,2 tỷ USD. Đổi lại, các kênh truyền hình cáp cũng được hưởng lượng người xem lớn.

“Tôi hy vọng rằng có cuộc kiểm tra nội bộ tại các hãng tin và truyền hình cáp đã quảng cáo miễn phí tương đương hàng tỷ USD cho Donald Trump, nhưng vẫn thường coi nhẹ các tuyên bố gây sốc của ông ấy”, John Weaver, chiến lược gia trưởng cho đối thủ của ông Trump trong vòng bầu cử sơ bộ, John Kasich, nói. “Ông ấy đã bị nhiều hãng truyền thông đánh giá thấp”.

Tài khoản Twitter của ông Trump không chỉ như một cái loa lớn truyền trực tiếp tiếng nói của ông đến người theo dõi mà nó còn là nguồn cung cấp kịch bản cho các bản tin trên truyền hình. Ảnh: Mark Humphrey / AP.

Ngày 16/9, khi là ứng viên tổng thống đại diện cho đảng Cộng hòa, ông Trump đã “lùa” các phóng viên chính trị đến một cuộc họp báo bằng cách hứa hẹn rằng sẽ đưa ra tuyên bố – được nhiều người đoán là lời xin lỗi – về việc nghi ngờ nơi sinh của Tổng thống Obama.

Sự kiện này diễn ra tại bưu điện trên Đại lộ Pennsylvania mà ông Trump lúc đó vừa mới cải tạo thành một khách sạn sang trọng. Sau 26 phút diễn ra họp báo, ông mới nói đến chủ đề chính. Ông thừa nhận Tổng thống Obama sinh ra ở Mỹ nhưng lại quay sang đổ lỗi cho Hillary Clinton rằng bà mới là người đầu tiên khởi xướng tin đồn.

Vậy là sau gần nửa giờ quảng cáo miễn phí, không chỉ cho chiến dịch tranh cử mà còn cả khách sạn mới, ông Trump đưa ra một tuyên bố 30 giây với lời buộc tội chống lại đối thủ của mình. John King, nhà báo của CNN, than thở: “Chúng ta lại bị chơi khăm một lần nữa”.

Mỗi giai đoạn trong sự nghiệp của ông Trump đều gắn với mối quan hệ lên bổng xuống trầm với truyền thông, từ những lời khen nồng nhiệt, sự ngạc nhiên trước thành công của ông cho đến những tin tức về bê bối và thất bại trong sự nghiệp. Mỗi chương của cuộc đời ông Trump dẫn đến câu hỏi rằng phía dưới những sự khoe khoang và nghệ thuật tự quảng cáo, con người thật sự của ông như thế nào.

Chính ông Trump cũng thường nói rằng ông bối rối trước câu hỏi đó. Ông nói ông chỉ đơn giản là một doanh nhân và mục đích của ông là giành chiến thắng. Con đường đến chiến thắng là phải nghiền nát đối thủ, đáp trả những “kẻ thua cuộc” chỉ trích ông, và nói những gì cần để đưa ông đến đích, Rucker viết.

Nguồn: VnExpress

Thuê người tiêu dùng làm truyền thông

Thuê người tiêu dùng làm truyền thông

Khoác một chiếc áo đầm mới mua lên người, cô gái tuổi teen lập tức rút điện thoại ra chụp ảnh – selfie. Điện thoại thông minh và mạng xã hội thay đổi hành vi chia sẻ niềm vui (và nhiều hành vi khác) của con người một cách… “ghê gớm”.

Thay vì gọi mấy người bạn đi uống trà chanh khoe chiếc đầm, việc selfie rồi post lên Facebook của cô gái có thể khiến hàng trăm, hàng ngàn người biết cô có chiếc đầm mới. Cho nên, chuyện các Facebooker, Instagramer nổi tiếng kiếm nhiều tiền từ các nhãn hàng không còn là chuyện mới.

Kiếm tiền trong “thời gian chết”

Thế nhưng hiện nhiều nhãn hàng không còn ưa chuộng việc thuê những người nổi tiếng trên mạng xã hội quảng bá cho họ nữa. Các ngôi sao ngày càng quá quắt trong chuyện đòi thù lao, mặt khác, chính họ cũng mất điểm trong mắt các fan ở chuyện tạo nội dung để fan thưởng thức thì ít mà đăng đàn khen sản phẩm này tốt, dịch vụ kia hay thì nhiều. Mua quảng cáo của chính các mạng xã hội cũng không còn tốt, vì thuật toán của mạng xã hội đưa đến lượng khách hàng không phải khách hàng mục tiêu của sản phẩm. Giờ đây, nhiều nhãn hàng đã hoặc đang tính chuyện mua quảng cáo với những người bình thường tham gia vào mạng xã hội.

Giờ đây, nhiều nhãn hàng đã hoặc đang tính chuyện mua quảng cáo với những người bình thường tham gia vào mạng xã hội.

Xã hội đang nói tới “kinh tế chia sẻ” với các đại diện hàng đầu như Uber, Airbnb, loại hình tạo điều kiện cho nhiều người kiếm tiền trong thời gian rảnh rỗi. Nhưng các mô hình như Uber không phải là tất cả những gì nền kinh tế chia sẻ có. Để tham gia Uber, ít nhất bạn cũng phải có hoặc phải thuê ô tô, trong khi đó, còn rất nhiều cách kiếm tiền trong “thời gian chết” mà không cần phải có một tài sản như ô tô.

Trang Penny Hoarder (Kẻ tích trữ từng xu) mới liệt kê 32 cách kiếm tiền hợp pháp qua các ứng dụng di động. Giả dụ bạn đang ngồi chờ ở bến xe buýt, thay vì lướt Facebook hay xem báo để đốt thời gian, bạn mở ứng dụng Swagbucks, làm những công việc nhỏ mà ứng dụng này giao như trả lời một cuộc khảo sát, bỏ phiếu cho một cuộc bình chọn, xem các video… là bạn có tiền. Giờ đây, điện thoại thông minh, mạng xã hội và nhu cầu đốt thời gian của người dùng là sự kết hợp lý tưởng để các nhãn hàng trao cơ hội kiếm tiền cho mọi người, biến người sử dụng điện thoại thành người ủng hộ trung thành của nhãn hàng và thành người tiêu dùng năng động. Một số ứng dụng giúp quảng bá tiếp thị nhãn hàng như vậy đã đến Việt Nam và được giới thiệu trong sự kiện Innovation Day 2016 tại TPHCM hồi tuần trước.

Mỗi người là một cơ quan truyền thông

Hành động selfie rồi đưa lên Facebook của cô gái trẻ không tạo ra tiền, nhưng cũng với hành động đó, cô có thể kiếm được tiền nếu sử dụng ứng dụng Fotoku. Vào ứng dụng này chụp hình selfie, lồng hình chụp vào khung hình có tên, hình ảnh, logo một nhãn hàng nào đó rồi đưa lên các mạng xã hội. Với mỗi “like” cho bức hình, cô gái được 200 jet; mỗi bình luận cô được 300 jet; mỗi chia sẻ hoặc chia sẻ cấp 2 được 100 jet; sử dụng bức hình làm hình đại diện (avatar) tối thiểu 30 ngày được tặng 5.000 jet.

Fotoku là một trong 8 ứng dụng của bộ ứng dụng Jet8 bên cạnh các ứng dụng tại video, truyện hoạt hình, chụp hình món ăn… cho phép người dùng tạo nội dung được tài trợ (bởi nhãn hàng nào đó). Nội dung đó được tưởng thưởng qua mức độ gắn kết của người tạo nội dung với người khác trên các mạng xã hội. Jet là đơn vị tiền tệ ảo của bộ ứng dụng Jet8, cứ 10.000 jet đổi được 1 đô la Mỹ. Khẩu hiệu “In Engagement We Trust” trên đồng jet gửi gắm thông điệp của nhà phát triển bộ ứng dụng: sự gắn kết là chìa khóa thành công của việc kinh doanh ngày nay. Với đồng jet này, người được thưởng có thể mua các sản phẩm ngay trên nền tảng bộ ứng dụng hoặc đổi ra tiền thật.

Ông Victor Zabrockis (phải), người sáng lập Jet8 giới thiệu ứng dụng Fotoku với đối tác tiềm năng. Ảnh: Đinh Hiệp.

Bộ ứng dụng Jet8 đã đưa các nhãn hàng vươn tới 280 triệu tài khoản mạng xã hội ở Đông Nam Á. 80% trong số này ở độ tuổi vàng của các nhãn hàng tiêu dùng nhanh (từ 18-34 tuổi). Fotoku bắt đầu ra mắt ở Việt Nam từ tháng 7-2016 và chạy thử cho một nhãn hàng, đến nay, những người dùng ứng dụng này đã tạo nội dung vươn tới 25 triệu tài khoản trên mạng xã hội.

Chia sẻ với TBKTSG, ông Victor Zabrockis nói: “Chúng tôi xem mỗi người là một cơ quan truyền thông. Hàng ngày, hàng ngàn người sẽ tạo ra hàng ngàn nội dung, vươn tới bạn bè của họ một cách tự nhiên. Và để thu hút được người khác tương tác (like, bình luận, chia sẻ) thì mỗi người tạo nội dung được tài trợ trên Fotoku phải tự học cách làm sao để mình có giá trị hơn”.

Công thức “tạo nội dung – tìm gắn kết – kiếm tiền” này có thể thấy ở các ứng dụng khác cũng được giới thiệu tại sự kiện Innovation Day 2016, như Krowdpop, Got It, Easy World, Pokkt… Christian Hưng Nguyễn, đồng sáng lập ứng dụng Offpeak, chuyên gia về startup, đưa ra nhận xét: “Phát triển các ứng dụng như thế này không khó, không phải mất nhiều công phát triển cộng đồng, tìm kiếm nhu cầu hay giáo dục người dùng như các ứng dụng đi chợ thuê, mua vé xe, đặt lịch làm đẹp, thuê người giúp việc… mà các nhà phát triển dịch vụ di động ở Việt Nam đang làm. Các startup công nghệ Việt Nam vẫn bị hạn chế tầm nhìn…”.

Đừng để bị chìm nghỉm giữa đại dương nội dung

“Cha đẻ nước Mỹ” Benjamin Franklin có câu nói: “Nếu bạn không muốn bị lãng quên ngay sau khi chết, hoặc viết thứ gì đó đáng đọc hoặc làm thứ gì đó đáng được viết”. Vế sau của câu này được giới tiếp thị truyền thông số sửa thành “…hoặc bình luận đáng lôi cuốn hoặc tạo ra thứ gì đó đáng được bình luận” để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo nội dung cho tiếp thị quảng bá thương hiệu.

93% nội dung truyền thông số bị chìm nghỉm, không tới được khách hàng mục tiêu vì không thỏa mãn các tiêu chí.

Nhưng không phải nhãn hàng nào cũng phù hợp với việc dùng các ứng dụng như Fotoku để nhờ số đông người sử dụng mạng xã hội tạo thật nhiều nội dung. Trường hợp nhãn hàng phải tự làm nội dung thì họ làm thế nào để không bị chìm nghỉm trong đại dương nội dung được tạo ta mỗi ngày?

Số liệu năm 2015 từ công ty tư vấn về tiếp thị số Smart Insights cho biết cứ mỗi 60 giây, trên thế giới có 3,3 triệu dòng trạng thái mới trên Facebook; 3,1 triệu lượt tìm kiếm trên Google; 55.555 tấm ảnh được tải lên Instagram; một lượng video có thời lượng 400 giờ đồng hồ được tải lên YouTube… Còn các thương hiệu, mỗi ngày họ cho ra 27 triệu nội dung truyền thông số.

Theo bà Roopa Dhawan, Tổng giám đốc tập đoàn Truyền thông và Tiếp thị Mindshare tại Việt Nam, đơn vị tổ chức Innovation Day 2016, 93% nội dung truyền thông số bị chìm nghỉm, không tới được khách hàng mục tiêu vì không thỏa mãn các tiêu chí: đặt người tiêu dùng vào trọng tâm, sức lôi cuốn, chứa nhiều tầng đổi mới sáng tạo, thông điệp rõ ràng.

Cá nhân hóa trải nghiệm người tiêu dùng

Jaguar thực hiện chiến dịch quảng bá chiếc xe thể thao đời mới mang tên “Art of Performance Tour”, thay vì mời khách đến lái thử và tham gia các hoạt động như các chương trình quảng bá như từ trước đến nay, họ mời khách đến đóng một đoạn phim dài hơn 2 phút. Phim trường là nơi thử xe, kịch bản là một buổi tuyển chọn điệp viên của Cơ quan tình báo Anh với 7 cảnh quay, 2 cảnh diễn với diễn viên Graham McTavish trong phòng và 5 cảnh diễn trên chiếc Jagua, khách lái xe trong phim trường và thể hiện cảm xúc trước các máy quay gắn trên xe. Những cảnh khó do các cascadeur thực hiện. Sau khi quay xong, khách được Jaguar trả cho đoạn video mà họ diễn với đề nghị đưa lên YouTube và các mạng xã hội.

“Art of Performance Tour” được thực hiện ở các thành phố Bắc Mỹ, Anh và châu Âu, thành công vang dội về mặt quảng bá. Bài học thành công của Jaguar là nhờ chính khách hàng làm nội dung cho họ.

Để thực hiện chiến dịch quảng cáo cho dòng xe NX 2016 trên Facebook, nhãn hiệu Lexus cũng không quản ngại tạo ra hơn 1.000 đoạn video quảng cáo khác nhau, mỗi đoạn dài 30 giây. Tùy vào dữ liệu cá nhân của từng người trên Facebook, họ cho phát đoạn video phù hợp (ví dụ nếu là người trẻ tuổi, năng động, ham đi du lịch thì họ sẽ phát đoạn quảng cáo mang chủ đề du lịch lên tài khoản Facebook của người này để thu hút sự chú ý của anh ta). Số lượng người dùng Facebook xem các video quảng cáo của Lexus đã tăng 315% so với dự kiến, lượng tương tác tăng 1.673% so với dự kiến.

Các ví dụ về Jaguar và Lexus cho thấy nhu cầu cá nhân hóa của mỗi người tham gia mạng xã hội là rất cao. Trưởng bộ phận sáng tạo nội dung khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mindshare, ông Mikael Christenson, nói tại sự kiện Innovation Day 2016: “Ngày nay, kể một câu chuyện chưa đủ, những người làm tiếp thị phải tìm cách đi xa hơn nữa”.

Nguồn: BrandsVietNam