Tag Archives: xu hướng

17 xu hướng truyền thông xã hội hàng đầu 2017

17 xu hướng truyền thông xã hội hàng đầu 2017

Chúng ta đều biết chiến lược sử dụng truyền thông xã hội có trả phí là hiện tại và cũng là tương lai của social marketing. Nhưng các thủ thuật xuất sắc nhất là gì? Loại nội dung nào sẽ tạo sự cộng hưởng lớn và những kênh nào đạt hiệu quả cao nhất?

Dưới đây là dự đoán của các chuyên gia về những xu hướng sẽ ảnh hưởng tới marketing truyền thông xã hội trong năm 2017, được đăng tải trên trang Business 2 Community.

1. Sự nổi lên của khán giả có chọn lọc và nội dung cá nhân hóa

Sean Zinsmeister, giám đốc cấp cao về marketing sản phẩm, Infer, @szinsmeister

Khi năm 2016 khép lại, tất cả những tên tuổi mạng xã hội lớn (Google, LinkedIn, Twitter và Facebook) đều hỗ trợ khán giả có chọn lọc. Điều này cho phép các nhà tiếp thị linh hoạt hơn trong phân khúc của mình để sử dụng những công cụ như phân tích dự đoán, tạo lập hồ sơ người dùng và chia nhỏ cơ sở dữ liệu để đẩy lên các nền tảng khác nhau. Đặc biệt, các nhà tiếp thị có thể xác định những tài khoản mục tiêu phù hợp nhất và chuyển tải được những nội dung cá nhân hóa tới đúng đối tượng tiềm năng.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng với việc ngày càng nhiều người sử dụng phần mềm chặn quảng cáo trong khi sự tương tác qua quảng cáo banner truyền thống giảm sút, nhắm đến các tài khoản mục tiêu qua các kênh xã hội sẽ đạt độ bao phủ rộng lớn hơn, tỷ lệ khớp cao hơn, và giúp tối ưu hóa ngân sách marketing dễ dàng hơn.

Ảnh: marccx.com.

2. Cái chết của Twitter

Cyril Lemaire, Giám đốc quản lý, Traktek Partners

Quảng cáo trên mạng xã hội qua Facebook, Instagram và Pinterest sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, Twitter nhiều khả năng sẽ phải gánh chịu sự sụt giảm mạnh hai con số về số người dùng thường xuyên, mất đi vai trò trong mắt các nhà quảng cáo và sẽ bị một công ty truyền thông số khác mua lại.

3. Nội dung tương tác nhiều hơn

Russab Ali, Nhà sáng lập, SMC Marketing

Các doanh nghiệp sẽ chuyển hướng sang những nội dung tương tác nhiều hơn, trong đó người đọc phải đưa ra những lựa chọn ảnh hưởng tới kết quả của nội dung. Điều này đã được chứng kiến trong năm 2016, khi các bài trắc nghiệm và bài kiểm tra là những nội dung được chia sẻ nhiều nhất. Trong năm 2017, điều này sẽ còn tiến xa hơn nữa, nhất là với video tương tác và các bài viết trên blog. Khi độc giả có tác động trực tiếp đến nội dung thì họ sẽ tương tác nhiều hơn và điều đó giúp họ nhớ tới các thương hiệu hơn.

Những loại nội dung này sẽ trở nên phổ biến hơn trong các chiến dịch trên truyền thông xã hội trong năm 2017, và các thương hiệu không chỉ muốn độc giả nhớ tới tên họ mà còn phải cảm thấy thích thú và chia sẻ với bạn bè. Mỗi người sẽ có trải nghiệm khác nhau, và các thương hiệu sẽ hưởng lợi.

4. Video 360°

Gregory Golinski, Điều phối viên marketing, Arizona Grand Resort & Spa

Nội dung 360° sẽ là một xu hướng đáng kể trong năm 2017. Sẽ ngày càng có nhiều người đăng tải các đoạn video 360° quay bằng máy GoPro lên mạng xã hội để chia sẻ với bạn bè và người thân. Các doanh nghiệp cũng sẽ hưởng lợi lớn từ công nghệ này. Họ sẽ có thể phát đi các đoạn video 360° quay khách sạn, nhà, xe hơi, bảo tàng, phòng tranh… cho các khách hàng tiềm năng trên nhiều kênh truyền thông xã hội khác nhau.

Ảnh: YouTube.com.

5. Cú hích thực tế ảo

Tiến sỹ Tim Lynch, Psychsoft, @psychosoftpc

Việc áp dụng công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality) và thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality) trong truyền thông xã hội ngày càng rộng khắp hơn. Facebook sở hữu Oculus Rift là có lý do của họ, và sẽ dần dần thúc đẩy việc sử dụng VR trên nền tảng của mình. Twitter sẽ phải làm theo, nếu không sẽ có nguy cơ trở thành MySpace thứ hai. Google+ cũng sẽ tiến tới áp dụng VR, vì đó là Google.

6. Bắt đầu sử dụng mạng xã hội để kinh doanh giữa các doanh nghiệp (B2B)

Zaki Usman, CEO kiêm nhà sáng lập, Pagezii Marketing, @zaki_usman

2017 sẽ là năm của bán hàng trên mạng xã hội. Các nhân viên kinh doanh thuộc mọi công ty từ lớn đến vừa và nhỏ sẽ sử dụng các kênh xã hội để tương tác khách hàng và đối tác. Có thể đơn giản là sử dụng Twitter để nêu khả năng về một đợt bán hàng hoặc dùng LinkedIn để quảng bá việc tải nội dung nhắm đến một công ty mục tiêu nào đó. Dù sử dụng kênh nào hay hoạt động nào, nghệ thuật bán hàng qua mạng xã hội cũng sẽ có thêm đà tăng trưởng trong năm 2017.

7. Instagram tiếp tục tăng trưởng

Pratik Shah, Giám đốc marketing, Grin, @grincreatorapp

Tính đến nay, Instagram đã và đang là một công cụ khám phá tuyệt vời và có mức độ tương tác ở vào hàng tốt nhất trong các nền tảng truyền thông xã hội (sau Facebook). Với việc tung ra Instagram Shopping vào năm 2017, Instagram cho phép các thương hiệu nhấn mạnh 5 sản phẩm khác nhau trong bài đăng của họ, và đưa khách hàng tới các trang thông tin chi tiết về sản phẩm và các trang mua sắm. Điều này sẽ gia tăng hoạt động trên khắp nền tảng và thu hút nhiều người theo dõi tìm đến các trang mua hàng.

Ảnh: digitaltrends.com.

8. Livestreaming nổi lên hàng đầu

Andrew Swindlehurst, Giám đốc điều hành tiếp cận cộng đồng, Piccana, @PiccanaLtd

Livestreaming đã được nhiều tên tuổi lớn trong giới truyền thông xã hội sử dụng, nhưng các doanh nghiệp vẫn còn khá chậm chân về khoản này. Một thương hiệu muốn trở nên gần gũi hơn với khách hàng chắc chắn nên có kế hoạch cho các chiến lược livestreaming. Chẳng hạn nếu có một hoạt động kết nối tập thể thì hãy thử livestreaming đến độc giả để họ cũng cảm thấy mình là một phần trong hoạt động đó.

Với việc tích hợp Periscope và Twitter đầu năm 2016, việc tiếp cận khán giả theo hình thức nội dung này càng trở nên dễ dàng hơn.

9. LinkedIn được nâng cấp

Joshua Mason, Cố vấn viên về marketing số, Accuracast

LinkedIn có thể sẽ phải đại tu nền tảng quảng cáo của mình, nếu không sẽ bị giảm sút doanh thu, bởi Facebook và Twitter đang tỏ ra là những nền tảng tốt hơn cho các hoạt động kinh doanh B2B. Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy có sự tăng vọt đáng kể trong doanh thu quảng cáo và điều này sẽ dẫn tới những sự khác biệt lớn của nền tảng này trong năm tới.

10. Chú trọng đến công cụ phân tích và tự động hóa

Dayle Hall, Phó chủ tịch về marketing, Lithium

Phân tích về truyền thông xã hội sẽ được tích hợp hơn vào hoạt động của tất cả các đơn vị trong doanh nghiệp vì các nhãn hiệu muốn nắm bắt nhanh chóng những phản hồi về các sản phẩm, dịch vụ và chiến dịch. Ngoài ra, sẽ có thêm nhiều nhãn hiệu đầu tư vào các khả năng của trí tuệ nhân tạo. Nhưng sẽ có nhiều doanh nghiệp loay hoay với chuyện khi nào nên dùng con người, khi nào nên dùng máy móc, còn khách hàng sẽ tiếp tục cảm thấy chưa hài lòng lắm với trải nghiệm nhận trả lời tự động.

Ảnh: komfo.com.

11. Tăng hiệu quả cho live video bằng cách thu phí

Jordan Scheltgen, Nhà sáng lập và CEO, Cave Social, @cavejordans

Sự chuyển dịch sang việc tập trung vào các nội dung video sẽ còn tiếp tục trong năm 2017, với việc live video ngày càng nhận được nhiều sự chú ý. Facebook sẽ cho phép tăng tầm tiếp cận của một live video trực tiếp bằng cách thu phí.

LinkedIn cũng sẽ có một động thái nào đó nhằm tích hợp Skype vào nền tảng của họ. Snapchat sẽ “phản pháo” trước “đợt tấn công” của Instagram bằng một tính năng khám phá tự nhiên nào đó, cho phép người dùng tìm thấy nhau và kết nối dễ dàng hơn.

12. Sự sụp đổ của nội dung Facebook “hữu cơ”

Lauren Maffeo, biên tập viên nội dung, GetApp, @LaurenMaffeo

Facebook chỉnh sửa thuật toán trên News Feed vào đầu năm nay nhằm ưu tiên các bài đăng của bạn bè và người thân của người dùng đã khiến hiệu quả thu hút người đọc hữu cơ tới các trang web – cả báo chí lẫn doanh nghiệp – bị sụt giảm mạnh. Điều đó có nghĩa là một người dùng nhấn “like” trên fanpage của một doanh nghiệp không có nghĩa là họ sẽ nhìn thấy status mới của doanh nghiệp trên tường nhà họ.

GetApp đã khảo sát 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ về hiệu quả của Facebook trong việc thu hút lượng truy cập về trang web của họ, thì có đến một phần tư những người trả lời khẳng định là không hiệu quả, và chỉ có 10% coi Facebook là công cụ “rất hiệu quả.” Tỷ lệ tiếp cận hữu cơ của Facebook hiện chỉ ở mức khoảng 1%.

Trong năm 2017, sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang tập trung coi Facebook như một công cụ marketing trả tiền, thay vì thu hút người dùng sang website của mình.

Ảnh: smeonline.biz.

13. Nhân viên đại diện cho doanh nghiệp trên mạng xã hội

Jake Messier, Chủ tịch kiêm COO, Tập đoàn Sáng tạo Mungo, @marcomfella

Năm 2017 sẽ đánh dấu việc các công ty sử dụng nhân viên như người đại diện cho công ty trên các nền tảng mạng xã hội. Đó là một công cụ rất hiệu quả mà lại miễn phí, với điều kiện phải triển khai đúng đắn. Các nhân viên, gia đình và bạn bè họ có thể là những người ủng hộ mạnh mẽ và hiệu quả cho thương hiệu hay sản phẩm.

Tất nhiên việc này không thể mang tính ép buộc. Chiến lược social media của một công ty phải đủ hấp dẫn để các nhân viên muốn chia sẻ bằng các tài khoản mạng xã hội của họ. Các công ty nên có nhiều phương án: Snapchat và Instagram cho các nhân viên ngoài 20 tuổi, còn Facebook và LinkedIn cho những nhân viên từ 30-35 tuổi trở lên.

14. Chatbot trở nên phổ biến

Bianca Illion, Quản lý PR, Brandwatch, @brandwatch

Một số nền tảng đang sử dụng các robot trợ giúp tích hợp nhằm hỗ trợ việc mua bán, đặt hàng và dịch vụ khách hàng. Khi khách hàng ngày càng quen với việc giao tiếp với robot, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ gia tăng, cho phép các thương hiệu tối ưu hóa trải nghiệm dịch vụ khách hàng của họ.

15. Kể chuyện thông qua nội dung video bền vững

Keven Tillman, Phó chủ tịch mảng Quan hệ / Nhà đồng sáng lập, Zipline, @theziplineapp

Sự chuyển dịch tiếp theo trong giới truyền thông xã hội sẽ là nhu cầu đối với các nội dung chất lượng cao và có tính bền vững, cụ thể là dưới dạng video. Ví dụ điển hình là những tính năng mới bổ sung của Snapchat và Instagram, trong đó người dùng có thể kể chuyện qua video.

Người dùng đã lên tiếng, và họ muốn tạo ra những video dài hơn để chia sẻ và lưu giữ theo cách nào đó, đối lập với những ứng dụng giống như Vine chỉ cho phép video ngắn vài giây. Zipline có thể sẽ là ứng dụng nổi lên trong năm 2017 vì nó không chỉ cho phép người dùng chụp hình và biên tập video đầy sáng tạo mà còn có thể chia sẻ với follower.

Ảnh: vidpresso.com.

16. Quyền riêng tư trở thành tâm điểm

Jeremy Pepper, cố vấn viên, Communimatic, @jspepper

Chúng ta sẽ chứng kiến sự hình thành của nhiều mạng riêng tư, do sự lo ngại của người dùng về bảo mật. Và điều này sẽ dẫn tới những vấn đề lớn cho các nhà tiếp thị trên mạng xã hội. Nếu người dùng bắt đầu rời bỏ các mạng xã hội lớn – Facebook, Instagram, Twitter, Snapchat – để tìm đến những mạng lưới mang tính cá nhân hơn, các nhãn hiệu sẽ phải làm gì để tiếp cận người tiêu dùng? Sẽ có một sự bùng nổ marketing di động nhằm cố gắng tiếp cận người dùng trên các nền tảng nhắn tin, cùng với đó là vô số thử nghiệm của những người chuyên nghiệp đang cố gắng tìm ra con đường phù hợp nhất.

17. Blog mang tính xã hội

Monica Georgieff, Trưởng bộ phận Marketing, Kanbanize, @kanbanizeinc

Người dùng đang tìm kiếm những nội dung mang suy nghĩ sâu sắc hơn thay vì những dòng chữ 140 ký tự hay vô số tin tức giả trên Facebook. Medium sẽ trở nên giống như LinkedIn Pulse để trở thành nền tảng kết nối những nhà chuyên môn trong cùng lĩnh vực hoặc các cá nhân có cùng quan điểm. Các trang blog cá nhân sẽ được đưa vào môi trường truyền thông xã hội, mà ở đó các nội dung thuộc một loạt vấn đề khác nhau sẽ được tích lũy và từ đó tạo ra các mạng lưới giá trị mới.

Nguồn: BrandsVietNam

5 xu hướng tiếp thị cần quan tâm 2017

5 xu hướng tiếp thị cần quan tâm 2017

Cùng với các công nghệ mới gồm các thiết bị di động, truyền thông xã hội liên tục vượt xa kỳ vọng của người dùng và tự cạnh tranh để mang lại nhiều tính năng hơn.

Dưới đây là những lưu ý khi xây dựng chiến lược tiếp thị nội dung và SEO năm 2017.

1. Snap mở ra những cơ hội mới

Snapchat (hay còn gọi là Snap) đã biến đổi kỳ vọng của người dùng và các xu hướng chính trong tiếp thị mạng xã hội, đem lại cái nhìn tập trung vào khoảnh khắc nhiều hơn, tạo điều kiện phát triển các ứng dụng di động tập trung hơn và đặc biệt là đưa “video dọc” thành xu hướng mới.

Đa phần người dùng ít khi xoay điện thoại khi quay video. Snapchat chính là mạng xã hội đầu tiên cung cấp tính năng quay và xem video theo chiều dọc.

Snap vừa giới thiệu kính thực tế ảo, giúp người dùng trải nghiệm những thông tin trực quan từ góc nhìn thứ nhất và đó là cơ hội tiếp thị khổng lồ trong năm 2017.

2. “Lan tỏa” – mong muốn mới của người dùng

Người dùng dần yêu cầu các phương tiện truyền thông xã hội phải đóng vai trò dẫn dắt những trải nghiệm mang tính lan tỏa hơn.

Giờ đây, việc chỉ đăng các trạng thái cảm xúc về một sự kiện nào đó là chưa đủ, bạn cần cho mọi người thấy sự kiện đó thực sự diễn ra như thế nào. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được với những công cụ như video trực tiếp, hình ảnh và video 360 độ, thậm chí là những bài đăng thời gian thực.

3. Xuất hiện lĩnh vực truyền thông mới

Trước đây, truyền thông mạng xã hội tồn tại như một phương thức để các cá nhân giao tiếp trực tuyến. Khi các thương hiệu phát triển, nó cũng trở thành cầu nối để giao tiếp và quảng cáo tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông xã hội đang phát triển theo hướng truyền tải thông tin một cách mới mẻ. Một số nền tảng cung cấp dịch vụ khách hàng, tăng tầm quan trọng và tính tương tác trong việc trao đổi giữa thương hiệu và người dùng.

4. Quảng cáo sẽ trở lại thời kỳ “Phục Hưng”

Mức độ hiển thị các kết quả tìm kiếm tự nhiên ngày càng suy giảm, nhưng vẫn có tác dụng khiến các doanh nghiệp phải mua quảng cáo.

Cạnh tranh và áp lực thu hút hoặc duy trì lợi ích cũng buộc các nền tảng mạng xã hội phải lựa chọn các quảng cáo khéo léo và sáng tạo hơn. Khi những yếu tố này kết hợp, quảng cáo trên mạng xã hội sẽ hồi sinh vào năm 2017.

5. Cảm hứng và sáng tạo sẽ trở thành xu thế

Các bài viết thực tế rất được người dùng chú ý, nhưng những bài giàu cảm xúc vẫn được lan tỏa nhiều hơn. Tuy nhiên, những bài viết truyền cảm hứng và sáng tạo mới là đối thủ nặng ký, hứa hẹn thành công trên các phương tiện truyền thông xã hội. Điều này thúc đẩy việc sàng lọc, loại bỏ những quảng cáo không mấy ấn tượng, đem đến cho người dùng những giá trị thật sự.

Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn

3 xu hướng định hình lại tiêu dùng hàng cao cấp

Đầu năm 2016, Pepsi đã công bố kế hoạch giới thiệu Kola House, một quán bar sang trọng ở Meatpacking District – Manhattan (Mỹ). Quán bar sẽ có một “thực đơn món được chế biến hoàn toàn thủ công” dựa trên hạt cola và một người phụ trách thực đơn cocktail luôn sẵn sàng phục vụ các loại thức uống đặc biệt.

Những mong đợi của người tiêu dùng hàng cao cấp sẽ thay đổi rất nhanh. Chúng ta đều biết rằng, nói đến hàng cao cấp không còn đơn giản là siêu xe, túi xách hàng hiệu và kỳ nghỉ đắt tiền.

Sự giàu có tăng lên và các phong cách sống mới, thú vị trở nên khả thi nhờ sự kết nối toàn cầu đã góp phần thay đổi bộ mặt của tiêu dùng hàng cao cấp. Về bản chất, hàng cao cấp luôn thuộc về địa vị hay vị thế xã hội.

Nhưng một khi đã có quá nhiều “đại gia” thì kết quả ra sao? Địa vị sẽ trở nên ít thuộc về “cái tôi có” mà nghiêng về “cái tôi là”: chẳng hạn, là phẩm giá, là tính sáng tạo hay gu thẩm mỹ… Đó là những giá trị vô hình hơn là vật chất. Đây cũng là cơ hội cho những nhãn hàng có thể thấu hiểu và chuyển tải được tư duy mới về tính cao cấp.

Sau đây là những xu hướng đang biến đổi “Tương lai của hàng cao cấp” trong năm 2017 và xa hơn nữa…

Tôi tinh túy

Khi mà sự tìm kiếm địa vị nghiêng về hướng “tôi là ai” thì sứ mệnh trở thành đơn giản: trở thành một tôi tốt hơn hay trở về với chính mình. Các sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm tiên tiến sẽ kết hợp cả sự tự thể hiện bản thân và sự tận hưởng hàng cao cấp. Những khách hàng này đang tìm cái tôi tinh túy, với họ, cuộc sống là theo đuổi liên tục sự hoàn hảo của cá nhân.

Mandarin Oriental Barcelona

Những người tự thể hiện bản thân thích chạy marathon. Người tìm kiếm địa vị có những kỳ nghỉ xa hoa. Còn người đi tìm “Tôi tinh túy”? Họ kết hợp cả hai.

Đầu năm 2016, Mandarin Oriental Barcelona giới thiệu hai chương trình dành cho những người tham dự Barcelona Marathon. Chương trình Marathon Package của khách sạn này bao gồm phòng nghỉ 3 đêm, huấn luyện viên riêng, áo T-shirt chạy marathon, 2 lần trị liệu spa; gói Get Ready gồm chương trình huấn luyện 5 ngày kết hợp với dịch vụ của một bệnh viện thể thao địa phương. Giá trọn gói là 2.025 EUR dành cho 2 người.

Samsung & de GRISOGONO

Ra mắt tại Baselworld vào tháng 3/2016, Samsung Gear S2 của de GRISOGONO là một phiên bản giới hạn đồng hồ thông minh sang trọng, tác phẩm từ sự hợp tác của Samsung với thương hiệu trang sức sang trọng của Thụy Sĩ là de GRISOGONO, giá bán 15.000 USD.

Được tích hợp các tính năng của Gear S2, chiếc đồng hồ này có thể theo dõi mức độ hoạt động, nhịp tim và đếm bước. Bạn chỉ có thể xem đồng hồ khi đặt hẹn tư vấn tại cửa hàng của de GRISOGONO.

V.I.D. (Very Important Data) – Dữ liệu cá nhân rất quan trọng

Người tiêu dùng được kết nối khắp thế giới đều biết rằng các thương hiệu đang sử dụng (hay lạm dụng?) dữ liệu cá nhân của họ: địa điểm, lịch sử mua sắm, ưu tiên truyền thông và còn nhiều hơn nữa. Đội quân hacker thích điều này – và một ngày nào đó có thể làm điều tương tự!

Một hình thức của “luxury” trong thời đại của dữ liệu cá nhân đó là bảo vệ sự toàn vẹn và an toàn của dữ liệu cá nhân. Và dĩ nhiên, nếu dữ liệu cá nhân của bạn càng đáng giá thì nhu cầu kiểm soát an toàn càng lớn.

Bulgari – Ứng dụng bảo vệ dữ liệu cá nhân trong “két sắt Thụy Sĩ”

Tháng 7/2016, thương hiệu trang sức cao cấp của Ý Bulgari hợp tác với WISeKey (công ty hàng đầu về thẩm định và an toàn cung cấp các giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân) để phát triển một ứng dụng mang lại sự an toàn khi thanh toán trên điện thoại di động và bảo vệ các dữ liệu khác trên điện thoại thông minh.

“Bulgari Vault app” có thể bảo vệ mật mã, thông tin ngân hàng, hình ảnh, video và tin nhắn; tất cả được cất giữ trong một “két sắt Thụy Sĩ” an toàn cao, chỉ được mở khóa qua nhiều lớp bảo vệ an ninh. Người dùng sẽ trả phí 53 USD một năm. Ứng dụng này được giới thiệu cùng lúc với đồng hồ thông minh của Bulgari – có các tính năng an toàn dữ liệu tương tự.

Vì một thế giới tốt đẹp hơn

Địa vị từng được định nghĩa bởi số tiền bạn kiếm được. Ngày nay, câu chuyện về vị thế cá nhân không chỉ tập trung vào số tiền mà một người kiếm được mà còn là cách người đó cho đi.

Với giới siêu giàu, từ thiện trở thành câu chuyện của địa vị. Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg là một ví dụ.

Hàng triệu người tiêu dùng giàu có cảm thấy không thoải mái khi xét đến các khía cạnh tiêu cực của tiêu dùng như môi trường, xã hội và cả sức khỏe của chính họ. Với họ, sang trọng đích thực là gì? Đó là tận hưởng mà không thấy “có tội”. Và điều này thúc đẩy một nhu cầu đang gia tăng với các thương hiệu – kết hợp sự sang trọng và mong muốn làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

Diamond Foundry

Các CEO trong lĩnh vực công nghệ và diễn viên Hollywood đã tham gia đầu tư vào một công ty start up chế tạo kim cương trong phòng thí nghiệm. Diamond Foundry, công ty có văn phòng tại San Francisco sử dụng trường nhiệt plasma để tạo nên những viên kim cương tương đồng với kim cương tự nhiên về mặt nguyên tử.

Diamond Foundry đã hoạt động âm thầm trước khi ra mắt chính thức vào thời điểm ngôi sao “Kim cương máu” Leonardo DiCaprio và các nhà sáng lập của Google (Larry Page và Sergey Brin), Twitter (Evan Williams) đầu tư vào công ty này. Thương hiệu start up này cho rằng họ là một sự lựa chọn hợp đạo đức so với kim cương khai thác mỏ, thường liên quan đến các tác động tiêu cực gây cho môi trường và xã hội.

Theo đơn đặt hàng

JetSmarter

Là một dịch vụ theo đơn đặt hàng được xem là “Uber dành cho máy bay riêng”. Tháng 3/2016, công ty start up của Mỹ đã tung ra dịch vụ JetShuttle ở châu Âu, cho phép người sử dụng ứng dụng có thể đặt chỗ trên máy bay riêng với một số lộ trình ở châu Âu, bao gồm London – Nice và London – Geneva. Tháng 6/2016, hãng mở thêm dịch vụ tuyến London – New York. Trước đây, người dùng ứng dụng chỉ có thể bao trọn máy bay để sử dụng riêng.

Tmall

ng dụng cho phép người dùng mua sắm trực tiếp tại các show trình diễn thời trang cao cấp. Văn hóa ứng dụng trực tuyến ngày càng được cắm rễ giữa xã hội tiêu dùng được kết nối. Và các ứng dụng sẽ là con đường tiến tới những nhu cầu sang trọng theo đơn đặt hàng.

Tháng 3/2016, nhà bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc Alibaba đã kết hợp cùng Mei.com tung ra kênh bán hàng nhanh Tmall chuyên về hàng thời trang cao cấp. Sự kiện ra mắt Tmall được truyền trực tiếp thông qua một ứng dụng di động đến hàng triệu người xem và 42 bộ trang phục trong chương trình biểu diễn đều có thể được đặt mua ngay qua ứng dụng này.

Trang phục và phụ kiện giảm giá của hơn 300 thương hiệu thời trang quốc tế cao cấp cũng được bán trong ứng dụng, bao gồm những tên tuổi như Giorgio Armani, Longchamp và Stuart Weitzman.

Nguồn: DoanhnhanSaiGon