4 lưu ý khi sử dụng dữ liệu trong marketing

“Dữ liệu không phải là người kể chuyện giỏi”. Đó là khẳng định của bà Manjiry Tamhane – CEO toàn cầu của Hãng tư vấn tiếp thị đa quốc gia Gain Theory.

Trong lĩnh vực tiếp thị, mỗi dữ liệu kể một câu chuyện rất riêng. Thậm chí một nguồn dữ liệu có thể cho những câu chuyện đầy mẫu thuẫn. Nắm bắt được điểm cốt lõi và tìm ra sự thật, đó là việc của các nhà tiếp thị. Dữ liệu là nền tảng cho các kế hoạch truyền thông hay kích hoạt thương hiệu. Vậy khi nghiên cứu dữ liệu, các nhà tiếp thị phải theo dõi loại dữ liệu nào? Và sự thật nằm ở đâu?

Dữ liệu bị lỗi có thể do rất nhiều lý do, một trong số đó là mẫu không đại diện. Khi dữ liệu được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều khả năng chúng ta sẽ thấy những câu chuyện đầy mâu thuẫn. Trên thực tế, đó chỉ đơn thuần do lỗi định dạng báo cáo lệch. Trong trường hợp đó, cần kết hợp các nguồn dữ liệu này một cách tương xứng và thuê bên thứ ba có kinh nghiệm phân tích dữ liệu để phân loại toàn bộ dữ liệu, đồng thời đưa ra bản báo cáo có thể kể chuyện một cách mạch lạc và chân thực.

Khi có sự sâu thuẫn giữa các dữ liệu, các marketer phải lặp đi lặp lại một quá trình nhằm loại bỏ các thông điệp gây hiểu nhầm. Có 4 điều cần lưu ý trong quá trình này:

Khi có sự sâu thuẫn giữa các dữ liệu, các marketer phải lặp đi lặp lại một quá trình nhằm loại bỏ các thông điệp gây hiểu nhầm. Nguồn: Forbes.

Nhìn xa hơn: Cần đưa bối cảnh lịch sử vào các dữ liệu mà bạn đang nghiên cứu. Vì có ngữ cảnh, bạn mới có thể xác định hướng của dữ liệu và ý nghĩa của các số liệu mới trong mối liên hệ với quá khứ. Trong giới marketing, có rất nhiều báo cáo ngày hoặc tuần. Ví dụ như báo cáo tỷ lệ nhấp chuột (click-through-rate) hằng ngày. Báo cáo này không thể đưa ra được bức tranh toàn cảnh về những điều đang diễn ra. Vì thế các nhà tiếp thị nên tránh tập trung quá nhiều vào nguồn dữ liệu hạn chế đó.

Nhìn sâu hơn: Cần đánh giá cái gì là hiệu quả và cái gì không. Bạn nên cập nhật những góc nhìn mới nhất về tác động của các chiến lược tiếp thị đối với thương hiệu. Ví dụ, chuyên gia trong ngành hay các học giả nghĩ gì về ảnh hưởng của video theo yêu cầu (Video-On-Demand) lên doanh số? Rút kinh nghiệm từ thành công và sai lầm của người khác – nghiên cứu những điều đó cả trong dữ liệu lẫn trong cuộc sống.

Đặt câu hỏi: Để thấy được sự thật trong mớ dữ liệu đầy mâu thuẫn, cần nhìn nhận một cách vô cùng tỉ mỉ. Hãy tập trung vào các nguồn dữ liệu mâu thuẫn. Chúng kể câu chuyện gì? Liệt kê ra tất cả các lý do có thể gây ra mâu thuẫn và sau đó nghiên cứu từng lý do một. Từ đó cố gắng loại trừ sai lầm để đi đến sự thật.

Nguồn: thefsforum.

Luôn cẩn trọng: Nếu tất cả các cách trên không giải quyết được vấn đề, tốt nhất bạn nên thận trọng. Hãy trung thực thừa nhận rằng có mâu thuẫn trong việc diễn giải dữ liệu. Đó sẽ là lựa chọn an toàn hơn nhiều so với việc đưa ra kết luận sai lầm.

Chúng ta thường được nghe về kiểm tra và học hỏi (Testing and Learning), việc này đặc biệt thích hợp trong việc tìm kiếm sự thật từ khối dữ liệu. Khi không chắc chắn một phần nào đó có hiệu quả hay không, hãy giảm đầu tư xuống mức có thể kiểm soát được và xem xét hiệu quả ra sao.

Người ta hay nói rằng câu chuyện nào cũng có ba mặt: Mặt bên này, mặt bên kia và sự thật. Lọc đám dữ liệu thời gian thực (real-time) khổng lồ bày ra trước mắt là nhiệm vụ hết sức nặng nề cho các nhà tiếp thị, đặc biệt khi những gì họ thấy sau khi phân tích lại trái ngược nhau. Tuy nhiên, đi đến tận cùng của sự trái ngược cuối cùng lại giúp ta tiết kiệm được một lượng tiền rất lớn.

Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn

Influencer marketing: người ảnh hưởng siêu nhỏ

Influencer marketing là một hình thức marketing sử dụng những influencer (tạm dịch là người ảnh hưởng) để gửi thông điệp của nhãn hàng đến thị trường. Thay vì quảng cáo trực tiếp đến với một nhóm khách hàng, bạn sẽ truyền cảm hứng và trả tiền cho người ảnh hưởng để giúp bạn làm điều đó. Những người ảnh hưởng sẽ lan truyền tiếng nói của họ thông qua các kênh mạng xã hội với nội dung hoặc là do nhãn hàng biên soạn trước hoặc do người ảnh hưởng tự viết theo cách của họ.

Bình minh của những người ảnh hưởng siêu nhỏ

Trước đây, các nhãn hàng và doanh nghiệp thường hợp tác với người ảnh hưởng là các ca sĩ, diễn viên hoặc người mẫu nổi tiếng (Sao hạng A) để làm đại sứ thương hiệu hay quảng cáo về sản phẩm trên TV và báo chí. Tuy nhiên, người tiêu dùng trẻ giờ đã thay đổi cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội. Xu hướng tiếp thị trên thế giới đã chuyển qua một mô hình “influencer marketing” mới, mà tôi xin gọi là “micro-influencer” marketing hay quảng cáo với những người ảnh hưởng siêu nhỏ.

Một người ảnh hưởng siêu nhỏ có thể có 10,000 – 50,000 người theo dõi trên Facebook hay Instagram trong khi những người ảnh hưởng hàng đầu thường có hơn 100,000 người hâm mộ. Một sao hạng A có thể có 1 lượng lớn người hâm mộ, tuy nhiên chúng ta cần xem xét tại sao khán giả lại quan tâm đến ngôi sao này. Thường thì người hâm mộ chỉ chú ý đến những thứ thú vị hay giải trí hơn là những sản phẩm được quảng cáo. Đôi khi, bạn theo dõi có thể bởi vì mọi người đều theo dõi, chứ không phải bạn quan tâm đến nội dung. Ngược lại, khán giả theo dõi những người ảnh hưởng siêu nhỏ này bởi vì họ thật sự (1) có một mối quan hệ thật ngoài đời hoặc là (2) chia sẻ một sự quan tâm đặc biệt về một chủ đề nào đó trong cuộc sống.

Hầu hết các công ty, đặc biệt là vừa và nhỏ, không đủ tiền để trả cho các “top influencer” để quảng bá sản phẩm. Do đó, họ bắt đầu tìm đến những người ảnh hưởng siêu nhỏ này để hợp tác tài trợ và cũng chuyển đổi dần từ sự nổi tiếng và số lượng người hâm mộ sang sự phù hợp của những người theo dõi và lượng tương tác thực. Không ngạc nhiên khi một “micro influencer” với 50,000 người theo dõi có thể đạt được tương tác cao như một “top influencer” với 1 triệu người theo dõi. Tương tác thực cao và chi phí thấp cho những chiến dịch này giúp nhãn hàng bán sản phẩm và tăng hàng trăm người theo dõi mới.

Ví dụ một công ty đồ thể thao hợp tác với 1 ngôi sao với 1 triệu fan, họ có thể tiếp cận 1 lượng khán giả lớn, nhưng 90% của những người này có thể không phải là dân yêu thể thao. Nếu công ty này làm việc với 20 người ảnh hưởng siêu nhỏ mà những người theo dõi họ cũng là fan cuồng nhiệt thể thao, nhãn hàng sẽ tiếp cận được một lượng lớn người hâm mộ thật sự.

Ngoài việc có một mối quan hệ thân thiết với những người theo dõi, việc tạo dựng nội dung cho nhãn hàng vẫn là một công việc thứ 2, không phải công việc toàn thời gian nên họ sẽ ít đăng nội dung tài trợ hơn. Do đó, nội dung của họ sẽ tự nhiên hơn. Với cùng một ngân sách, nhãn hàng có thể cộng tác với 20-40 “micro-influencer” để tiếp cận lượng khán giả khác nhau và thấy tương tác thực và tốt hơn, so với 1 hay 2 ngôi sao nổi tiếng.

Hiip, công ty tiên phong về influencer marketing, giúp nhãn hàng và doanh nghiệp kết nối với hơn 1,000 người ảnh hưởng, tiếp cận khoảng 30 triệu người. Bằng việc phân tích và chọn lựa dựa trên dữ liệu mạng xã hội (độ tuổi, giới tính, vị trí và mối quan tâm của fan của người ảnh hưởng), Hiip đã giúp Galaxy Distribution quảng bá thành công bộ phim “Ice Age 5” (Kỷ băng hà 5) tại Việt Nam.

Đây là một trong những bộ phim hiếm hoi mà doanh số phòng vé ở tuần thứ hai không hề sụt giảm so với tuần đầu công chiếu phim. Với một kinh phí khiêm tốn, Galaxy hợp tác với hơn 20 người ảnh hưởng dựa trên demographic phù hợp với khán giả mục tiêu của phim, tiếp cận tổng lượng người theo dõi là gần 3 triệu và hơn 20 nghìn tương tác tích cực về bộ phim trên Facebook. Đây là một trong những lý do giúp Kỷ băng hà 5 thành công và đánh bại Fan Cuồng trong tuần ra mắt phim đó.

Chúng tôi bắt đầu nhận thấy rằng những người ảnh hưởng siêu nhỏ này có thể thay đổi hoàn toàn cách nhãn hàng phát triển và thực thi các chiến dịch tiếp thị với người ảnh hưởng nói riêng và tiếp thị hiện đại nói chung. Tính trung bình, việc hợp tác với “micro-influencer” mang lại 2-5 lần lượng tương tác tích cực tốt hơn với 1 “influencer” 100,000 fans. Điều này giúp cho nhãn hàng và doanh nghiệp thật sự xây dựng thương hiệu bền vững khi mà “92% người khách hàng tin tưởng vào giới thiệu của người quen”*.

Phi Nguyen
CEO of Hiip

Online VS Offline: 2 lớp trải nghiệm

Với những người thích bánh, chắc hẳn không ai chỉ đơn thuần thích lớp kem bơ tan chảy ở giữa hay cốt bánh hạnh nhân trắng thơm, mà chính sự hòa quyện trọn vẹn của tất cả các nguyên liệu và hương vị mới tạo nên sự thỏa mãn tuyệt vời cho vị giác.

Và trải nghiệm khách hàng cũng cần phải giống như vậy. Nó không đơn thuần là trải nghiệm trực tuyến hay trải nghiệm tại cửa hàng. Thay vào đó, hãy tập trung mang đến cho khách hàng những trải nghiệm là sự hòa quyện của nhiều lớp (layer) khác nhau, một lớp dịch vụ khách hàng hoàn hảo, một lớp tương tác trực tiếp với sản phẩm tại cửa hàng và một lớp quá trình thanh toán trực tuyến tối ưu.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng “86% người mua sẽ chi trả nhiều hơn cho 1 trải nghiệm khách hàng tốt, nhưng chỉ 1% khách hàng cảm thấy rằng các nhà cung cấp đáp ứng được sự kỳ vọng của họ”. Và bây giờ là thời gian để bạn mang lại cho khách hàng những gì họ mong muốn. Phục vụ khách hàng theo 1 cách khác biệt. Sẵn sàng để thêm vào nhiều lớp khác nhau cho trải nghiệm thương hiệu.

Trải nghiệm thương hiệu nhiều lớp (Brand Layering) là gì?

Đến năm 2020, trải nghiệm khách hàng sẽ không đơn thuần chỉ gọi tên giá cả hay sản phẩm như là điểm khác biệt hóa của thương hiệu. Điều này có nghĩa, tất cả những thứ bạn bán, cách bạn bán, sẽ đều trở thành một thứ hàng hóa.

Trong kinh doanh, sẽ luôn có một ai đó có sản phẩm tốt hơn bạn hay giá rẻ hơn bạn. Toàn cầu hóa đã dạy chúng ta một đối thủ đáng gờm thực sự là như thế nào. Hơn nữa, chúng ta cũng học được rằng, sự gắn kết thương hiệu là chưa đủ. Công ty của bạn phải làm nhiều hơn là việc chỉ đơn thuần đồng nhất nhận diện giữa cửa hàng và thiết kế website.

Đây là thời điểm để thay đổi cách suy nghĩ. Trải nghiệm khách hàng là tổng hòa tất cả những tương tác với thương hiệu. Tất cả mọi thứ từ việc chào hỏi của hỗ trợ viên live chat cho tới đóng gói giao nhận sản phẩm tới khách hàng.

Trải nghiệm thương hiệu nhiều lớp là quá trình xâu chuỗi các giá trị của thương hiệu trong tổng thể, dẫn dắt khách hàng qua các giai đoạn từ nhận biết thương hiệu cho tới khi nhu cầu được đáp ứng.

Trải nghiệm thương hiệu nhiều lớp được định nghĩa là: “Quá trình xâu chuỗi các giá trị của thương hiệu trong tổng thể, dẫn dắt khách hàng qua các giai đoạn từ nhận biết thương hiệu cho tới khi nhu cầu được đáp ứng”.

Cách thực hành tốt nhất là bạn cần phải dẫn dắt khách hàng qua những trải nghiệm mua sắm thực tế. Tương tự như trò chơi Pokemon Go, tạo ra các cách thức khác nhau để duy trì sự tương tác của khách hàng. Bạn muốn họ thực sự hào hứng khi trở thành một phần của hành trình trải nghiệm? Bạn sẽ khiến khách hàng bất ngờ như thế nào khi thanh toán? Hay khiến họ thấy thích thú khi mở hộp sản phẩm?

“Bạn cần phải đào sâu hơn. Thương hiệu là cách bạn nói cho khách hàng biết bạn là ai, sản phẩm của bạn là gì, sản phẩm đó có ý nghĩa gì đối với khách hàng – thương hiệu là cách bạn bạn tạo nên những cảm nhận cho khách hàng. Thương hiệu của bạn là những gì dẫn dắt họ mua sản phẩm của bạn. Tôi thích gọi nó là trải nghiệm thương hiệu nhiều lớp, có nghĩa là bạn sẽ đào sâu vào tất cả các khía cạnh của việc bạn muốn làm nổi bật thương hiệu của mình như thế nào”, Michele Markey – Phó Chủ tịch của FastTrac viết.

Trải nghiệm thương hiệu nhiều lớp là một bước đi dài hơn trong hành trình kết nối thương hiệu với khách hàng. Đó chính là việc kết hợp tất cả các kênh và dịch vụ để tạo nên một trải nghiệm khách hàng vượt trôi.

Tại sao trải nghiệm khách hàng nhiều lớp lại quan trọng?

Với vai trò là một chuyên viên thương mại điện tử, bạn đã luôn ngập trong một danh sách dài các việc phải làm. Vì thế, tại sao bạn lại phải thêm 1 nhiệm vụ khác nữa vào kế hoạch chiến lược của mình?

Vì trải nghiệm mua sắm thường tập trung quanh cảm xúc của khách hàng. Khi người mua vui vẻ, họ sẽ giới thiệu bạn tới bạn bè của họ.

“Cho dù có sự xuất hiện của công nghệ kỹ thuật số, có một thứ vẫn đúng trong thế giới kinh doanh: Truyền miệng là hình thức marketing tốt nhất. Chính vì thế, trải nghiệm tuyệt vời với doanh nghiệp là những gì thực sự thúc đẩy khách hàng nói về thương hiệu với bạn bè, gia đình và người quen”, Matt Kleinschmit – Phó Chủ tịch cấp cao của Vision Critical nói.

Nhưng nếu khách hàng không thích thương hiệu của bạn, họ sẽ phàn nàn với bạn bè, người lạ và thậm chí là bất cứ ai sẵn sàng lắng nghe. Và như thế, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian và sức lực để lấy lại lòng tin của khách hàng.

Hãy xem trải nghiệm khách hàng nhiều lớp như một phương pháp linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nó bao gồm việc cung cấp cho khách hàng sản phẩm – những gì họ đặt hàng và trải nghiệm – cách thức họ mong muốn sản phẩm ấy.

Hiện tại, có một số công ty làm sai điều này. Họ khiến họ trở thành trung tâm của trải nghiệm khách hàng.

“Bởi vì những công ty này không tập trung nhiều vào toàn bộ hành trình của khách hàng, họ kết thúc với trải nghiệm chung chung kém hiệu quả, không được tối ưu cho khách hàng mà là tối ưu cho công ty. Những gì chúng ta đang ủng hộ hiện nay là sự thay đổi trong quan điểm, vì vậy mà khách hàng trở thành trung tâm của sự chú ý”, Nicolas Maechleris – Chủ tịch McKinsey chia sẻ.

Khi thực hiện một cách chính xác, trải nghiệm thương hiệu nhiều lớp làm tăng sự kỳ vọng của khách hàng và mở cánh cửa để thu hút thêm nhiều khách hàng mới.

Đó là những gì đã xảy ra với Movember, một tổ chức nâng cao nhận thức về ung thư. Ban đầu, nó là một chiến dịch thường niên vào tháng 11. Sau đó, Movember được phát triển thành 1 chiến dịch xuyên suốt năm, chính vì vậy mà họ đã quyết định thêm 1 lớp trải nghiệm thương mại điện tử cho thương hiệu của mình. Website của Movember đã bán thêm các sản phẩm như mũ, áo… có in các hình ảnh liên quan tới ung thư.

“Cửa hàng thương mại điện tử thực sự đang giúp chúng ta xây dựng một thương hiệu đầy cảm hứng với những sản phẩm hấp dẫn mà người dùng thực sự muốn mặc”, Brooke Bastain – Phụ trách Kinh doanh quốc tế của tổ chức Movember nói. “Những chiếc mũ và áo đã bắt đầu cuộc “trò chuyện” quanh năm và khuếch trương thương hiệu của chúng tôi cho những người trước đây chưa từng nghe tới Movember”.

Có thể nói, thương hiệu của bạn không phải là về bạn. Thương hiệu là những điều khách hàng của bạn cảm thấy khi họ mua hàng.

Chia sẻ kiến thức

Nếu kiến thức là sức mạnh, thì chia sẻ kiến thức giống như sức mạnh của một loại thuốc chữa bệnh.

Để trải nghiệm thương hiệu nhiều lớp hoạt động hiệu quả thì rất cần có sự cộng tác, phối hợp giữa các bộ phận. Mọi người phải sẵn sàng làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu dài hạn của công ty, chứ không chỉ đơn thuần là mục tiêu của 1 tháng, 1 quý.

Vì vậy, đội ngũ dịch vụ khách hàng cần phải biết những gì đội marketing đang làm. Và đại diện bán hàng cũng phải nhận thức được hành trình của khách hàng. Sự phối hợp trong team sẽ giúp doanh nghiệp của bạn xử lý các tình huống ở mọi góc độ. Nó giúp loại bỏ các điểm mù không cần thiết.

“Để nhân viên chia sẻ kỹ năng và kiến thức của mình với đồng nghiệp là một cách đơn giản để cải thiện mạnh mẽ chiến lược và chất lượng trong đội của bạn. Tuy nhiên, có rất nhiều lý do tại sao các nhân viên thường giữ lại kiến thức”, William Craig – cây bút của Entrepreneur viết.

Để khuyến khích điều này, hãy trang bị cho các đội những công cụ cộng tác, như Slack và Trello, khen thưởng nhân viên nếu họ đóng góp thông tin có giá trị và ghi nhận những cá nhân đã nỗ lực để xây dựng các nhóm đa chức năng.

Hãy minh bạch với nhân viên của bạn, nhấn mạnh tầm quan trọng của chia sẻ kiến thức tới việc tạo trải nghiệm thương hiệu nhiều lớp hiệu quả.

Dữ liệu khách hàng

Nghiên cứu cho thấy rằng các Giám đốc Marketing (CMO) có kế hoạch tăng ngân sách cho việc phân tích dữ liệu tiếp thị. Dữ liệu cho bạn cơ hội để thực sự hiểu khách hàng.

Bạn có thể tận dụng dữ liệu để cá nhân hoá hành trình của khách hàng. Bạn có thể thu thập thông tin về mong muốn của người tiêu dùng, lối sống và thói quen.

Các chiến dịch ‘one size fits all’ (các chiến dịch được thiết kế cho tất cả các nhóm đối tượng) đã không còn phù hợp. Các tương tác được thiết kế riêng mang lại cho thương hiệu cơ hội tạo nên những trải nghiệm cho từng nhóm khách hàng cụ thể.

Và đừng quên các cách thu thập dữ liệu truyền thống. Các cuộc phỏng vấn khách hàng theo cách cũ vẫn có hiệu quả.

“Tiến hành một vài cuộc phỏng vấn với từng phân khúc khách hàng sử dụng sản phẩm cũng là một việc quan trọng. Điều phù hợp với một khách hàng này có thể không hiệu quả với khách hàng khác. Hiểu dữ liệu và xu hướng có nghĩa là thu thập thông tin từ một tập mẫu đủ lớn các đối tượng mục tiêu”, Sara Vera – nhà khoa học dữ liệu ở Insightly viết.

Để tăng mức độ cá nhân hóa, sử dụng dữ liệu để tối ưu trải nghiệm khách hàng. Tiếp cận đúng cá nhân đúng thời điểm thông quan đúng kênh với những đề nghị phù hợp.

Gắn kết các trải nghiệm

Hãy thoát khỏi những suy nghĩ rằng có những trải nghiệm online và offline. Khách hàng của bạn chỉ muốn tồn tại 1 trải nghiệm duy nhất. Trải nghiệm này neo ở các điểm tiếp xúc khách hàng và hỗ trợ các trải nghiệm khác.

“Số hóa giúp thực tế cuộc sống dễ dàng hơn và ngược lại, các yếu tố trong thực tiễn cũng hỗ trợ cho thế giới số: Thế giới chúng ta là kỹ thuật số, nhưng những trải nghiệm thế giới thật sẽ giúp các trải nghiệm thế giới số mạnh mẽ, tối ưu hơn, và ngược lại. Tập trung vào thực tế đó và dừng suy nghĩ về 2 điều riêng biệt. Hãy xem chúng như một cuộc hành trình liên tục”, Tom Maya – Biên tập nội dung của Eventbrite UK đã chỉ ra.

Ví dụ, trải nghiệm mở đóng gói sản phẩm đối với rất nhiều khách hàng là sự tương tác vật lý đầu tiên với một thương hiệu trực tuyến. Một gói bọc đẹp chính là một lớp trải nghiệm thương hiệu (brand layer) đầy tinh tế. Và sự hiện diện của sản phẩm trở nên đáng nhớ.

Mặc dù các nhà bán lẻ lớn có hàng trăm cửa hàng truyền thống, nhưng họ vẫn đang tiếp tục thử nghiệm với các không gian bán hàng ngắn hạn được gọi là cửa hàng pop-up.

Ví dụ, Target phát triển một cửa hàng pop-up trong suốt kỳ nghỉ năm 2015. Chiến thuật này đã giúp họ có cơ hội thử nghiệm công nghệ mới và tạo ra một trải nghiệm nhận biết thương hiệu độc đáo. Chuỗi bán lẻ cung cấp cho người mua hàng mã xác định tần số radio để lựa chọn sản phẩm, thay vì giỏ hàng. Để đặt hàng, người mua scan mã RFID của họ, và sản phẩm sẽ tự động được thêm vào giỏ hàng.

Dưới đây là một minh hoạ của quy trình mua hàng B2C phức tạp. Hàng trăm điểm tiếp xúc tồn tại, mà có thể ảnh hưởng đến khách hàng cả online và offline. Từ một phim quảng cáo cho tới một bài đăng blog, các điểm tiếp xúc đều đóng một vai trò trong việc quyết định mua sắm của khách hàng.

Hãy nhớ rằng trải nghiệm thương hiệu của bạn cũng nằm trên vai của các nhân viên. Họ cũng nên thể hiện các giá trị và nguyên tắc của công ty. Tương tự như vậy, hãy đối xử tốt với đồng nghiệp.

Bryn Vaupel, Chủ tịch BC Consulting, LLC chỉ ra rằng: “Khi bạn thiết lập các tiêu chuẩn cho trải nghiệm khách hàng, đừng bỏ quên trải nghiệm của nhân viên. Các nhân viên của bạn sẽ mang trải nghiệm mà bạn trao cho họ tới khách hàng. Với vai trò là lãnh đạo của tổ chức, hãy thiết lập các ví dụ về việc làm thế nào để duy trì thương hiệu. Khi bạn tương tác với nhân viên, hãy chào hỏi họ theo cách chuẩn mực và tương tự với những câu mà bạn muốn họ sử dụng với khách hàng của mình”.

Hòa trộn trải nghiệm tại các điểm tiếp xúc thành trải nghiệm thống nhất. Đó là chìa khóa cho sự hài lòng của khách hàng.

Đồng bộ trải nghiệm

Xây dựng nhiều lớp cho trải nghiệm thương hiệu chính là cách thức tối ưu trải nghiệm khách hàng. Nó cho người mua hàng thấy rằng mọi tương tác với thương hiệu đều quan trọng. Hãy làm việc với nhóm của bạn để chia sẻ kiến thức giữa các bộ phận, sử dụng dữ liệu để cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm, gắn kết các tương tác online và offline để nó làm việc như 1 và đồng bộ hóa các trải nghiệm của khách hàng.

Nguồn: Subiz Live Chat

90% doanh nghiệp tiếp thị trực tuyến

Đã có hơn 90% doanh nghiệp của TP HCM tìm đến công cụ tiếp thị trực tuyến, theo thống kê của Đại học Tài chính-Marketing.

Một nghiên cứu do Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường – Khoa Marketing (Đại học Tài chính – Marketing) chủ trì vừa được công bố tại hội thảo “Việt Nam Digital Marketing 2016” cho biết, đã có hơn 90% doanh nghiệp tại TP HCM từng sử dụng công cụ tiếp thị trực tuyến (Digital Marketing). Trong số này, hơn 85% vẫn kết hợp tiếp thị trực tuyến với các phương thức tiếp thị truyền thống. Chỉ khoảng 15% triển khai tiếp thị trực tuyến độc lập.

Các hình thức tiếp thị trực tuyến phổ biến nhất có: Online Advertising, Email Marketing, Paid Search, SEO, Online PR, Mobile Marketing và Social Media. Trong đó, Online Advertising, Email Marketing và Paid Search đang được sử dụng nhiều hơn cả. Doanh nghiệp làm tiếp thị trực tuyến cũng đã bài bản hơn. Hầu hết tiến hành tiếp thị trực tuyến theo dự án, theo kế hoạch năm và quý.

90-doanh-nghiep-tp-hcm-su-dung-tiep-thi-truc-tuyen

Tuy nhiên, xét về kết quả, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường nhận định: “Hiệu quả của các công cụ tiếp thị trực tuyến cũng như hoạt động tiếp thị trực tuyến còn chưa cao như mong đợi của doanh nghiệp. Điều này có thể là do sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt và hoạt động tiếp thị trực tuyến của các doanh nghiệp chưa thực sự bài bản.”

Kết quả nghiên cứu cũng cho biết, khoảng 60% doanh nghiệp đang có ý định tăng ngân sách cho tiếp thị trực tuyến trong giai đoạn từ đây đến 2020. Tuy nhiên, để khoản ngân sách này được rót vào hiệu quả thì nhóm nghiên cứu cho rằng, vấn đề nhân lực cần phải cải thiện. Hiện, mỗi doanh nghiệp chỉ mới có trung bình 1-2 người chuyên làm tiếp thị trực tuyến. Đa phần nhân viên có trình độ đại học nhưng từ các ngành khác và học thêm công cụ tiếp thị trực tuyến chứ hiếm có nhân sự chuyên sâu.

Bà Tammy Phan – Giám đốc chiến lược kinh doanh bán hàng thị trường Việt Nam của Google nhận định, mọi người ngày nay đang “nắm cả thế giới trong bàn tay” thông qua chiếc smartphone. Có đến 70% người mua hàng tìm kiếm thông tin trên Google trước khi ra quyết định. Để tiếp thị trực tuyến hiệu quả, bà gợi ý doanh nghiệp nên quan tâm đến 5 khoảnh khắc mà người tiêu dùng cần đến internet nhất. Đó là: Xem những điều họ đam mê, khi cần biết thông tin gì đó, khi muốn đi đến đâu đó, khi muốn làm gì đó và khi muốn mua gì đó. Xếp theo thứ tự thì “Khi muốn mua gì đó” chỉ là lý do thứ 5 mà người tiêu dùng muốn tiếp cận internet. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải khéo léo xuất hiện ở những khoảnh khắc còn lại, khi mà người tiêu dùng đang “lang thang trên mạng”.

90-doanh-nghiep-tp-hcm-su-dung-tiep-thi-truc-tuyen-1

Ông Trương Văn Quý – CEO của EQVN nhận định, bản thân hoạt động tiếp thị trực tuyến cũng đang thay đổi. Trong đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt kịp xu thế nhanh hơn. Ông cho rằng, trên môi trường trực tuyến, hoạt động tiếp thị và bán hàng đang dần liên kết trực tiếp với nhau. Hoạt động tiếp thị trực tuyến đã có thể trực tiếp mang lại doanh thu.  “Doanh nghiệp cần thay cơ chế chi tiền cho marketing. Nó không còn nằm ở bộ phận marketing nữa mà còn nằm ở bộ phận bán hàng”, vị này đề xuất.

Ông Quý dẫn chứng mô hình Personal Selling và Personal Marketing. Ngày nay, ở một số ngành, một nhân viên có thể làm cả 2 việc tiếp thị và bán hàng (Personal Selling & Marketing) với kết quả tốt hơn. Bất động sản là một ví dụ. Ông cho biết, có những nhân viên kinh doanh bất động sản giỏi sẵn sàng tự chi 9-10 triệu đồng mỗi tháng để chạy tiếp thị trực tuyến nhằm bán được khoảng 2 sản phẩm, thu về 30-40 triệu đồng thu nhập từ hoa hồng. Chính vì thế, doanh nghiệp nên cấp quyền và ngân sách cho họ nhiều hơn để họ có đủ kinh phí chạy tiếp thị trực tuyến trong thời đại quyền lực của truyền thông cá nhân ngày càng mạnh chứ không còn tập trung chỉ vào thương hiệu.

“Cũng còn nhiều doanh nghiệp khá bỡ ngỡ với tiếp thị trực tuyến vì họ vẫn không coi công nghệ là một phần trong hoạt động kinh doanh của mình. Tôi nghĩ cấu trúc của doanh nghiệp sắp tới nên có 2 phần: thương hiệu và công nghệ. Cần ưu tiên các công nghệ như: CRM, IOT, Integrated & Data analytic… và nhắm đến môi trường di động đầu tiên”, ông Quý gợi ý.

Viễn Thông

Chặn quảng cáo có ngăn chân thương mại điện tử?

Phần mềm chặn quảng cáo ra mắt như một giải pháp dành cho những người tiêu dùng không muốn màn hình của họ lộn xộn bởi các quảng cáo hiển thị. Một chương trình bổ sung hoặc mở rộng của trình duyệt đơn giản có thể loại bỏ các quảng cáo hiển thị và khiến cho trải nghiệm lướt mạng đỡ rối mắt hơn. Phần chặn quảng cáo được giới thiệu lần đầu không ảnh hưởng đến người bán hàng thương mại điện tử nhiều, nhưng các phần mềm phát triển mới hứa hẹn sẽ tạo ra tác động lớn đến ngành này. Lucia Moses từ Digiday đã báo cáo rằng các nhà phát triển phần mềm chặn quảng cáo, các khối óc tài năng đằng sau Adblock Plus, đã chuyển hướng qua việc mua các liên kết từ những trang thương mại điện tử.

Ảnh hưởng Tài Chính của Việc Chặn Quảng Cáo Thương Mại Điện Tử

Người bán hàng thương mại điện tử phụ thuộc vào việc tiếp thị nội dung và mua các liên kết- link để tạo ra doanh thu. Khi phần mở rộng chặn quảng cáo ngăn người tiêu dùng nhìn thấy các liên kết- link này thì người bán sẽ gặp phải những khó khăn về doanh thu. Về cơ bản, phần mềm này làm cho các liên kết thương mại điện tử vô hình với những người đã cài đặt nó vào trình duyệt của họ. Người xem thường chỉ xem nội dung đó, chứ không phải các liên kết có thể đưa họ đến các trang thương mại điện tử của bạn.

Theo trang PageFair, các nhà xuất bản kỹ thuật số đã mất khoảng 22 triệu đô-la Mỹ trong năm 2015 cho các phần mềm chặn quảng cáo. Gần 2 triệu người tiêu dùng sử dụng phần mềm này trên toàn cầu, điều này có nghĩa là nhiều khách hàng tiềm năng của bạn đã cài đặt phần mềm đó.

Các Giải Pháp đối với Công Nghệ Chặn Quảng Cáo

  1. Yêu cầu bên chặn quảng cáo: Nếu bạn muốn dịch vụ đó không ảnh hưởng đến liên kết mua hàng của bạn thì bạn có thể yêu cầu công ty đó hiệu đính các liên kết của bạn và đưa chúng vào danh sách trắng thông qua phần mềm của họ. Tuy nhiên, dịch vụ đó không miễn phí. Trong khi điều này có thể cung cấp một giải pháp khả thi cho các tập đoàn đa quốc gia thì lại không hẳn là khả thi đối với những người bán hàng nhỏ hơn. Nếu bạn có một trang web nhỏ và tự điều hành thì có lẽ bạn không có khả năng bố trí ngân sách của mình để trả cho một chương trình phần mềm chặn quảng cáo.
  2. Hợp tác với Ấn Phẩm: Nhiều ấn phẩm hạn chế quyền truy cập nội dung giữa những người dùng có cài đặt phần mềm chặn quảng cáo. Khi người tiêu dùng đi đến một trang web, họ nhìn thấy một trang splash mời họ lập danh sách trắng trang web đó để đổi lại sẽ xem nội dung của trang. Nếu bạn hợp tác với các trang web như thế này, các liên kết của bạn sẽ được hiển thị vì người tiêu dùng phải tắt phần mềm ngăn chặn của họ để thấy được ấn phẩm đó. Điều này tạo ra một giải pháp trung gian không tốn tiền nhưng đòi hỏi bạn phải nghiên cứu một chút.

Khi Tất Cả Thất Bại, Hãy Chuyển Sang Chiến Lược Của Bạn

Nếu bạn lo ngại về tác động của phần mềm chặn quảng cáo đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của mình, hãy cân nhắc việc chuyển sang một chiến lược tiếp thị khác. Ví dụ, bạn cũng có thể tập trung nỗ lực vào việc tiếp thị qua email. Do đây là một hình thức tiếp thị cho phép (miễn là bạn nhận được các địa chỉ đăng ký hợp pháp), bạn không phải lo lắng về việc gây phiền toái các khách hàng tiềm năng hoặc loại bỏ các liên kết của bạn ra khỏi nội dung.

Nguồn: payoneer

3 điều về đánh giá & xếp hạng trên Facebook

Rõ ràng việc tối đa hóa hiệu suất của các chiến dịch trên Facebook là không hề dễ dàng với các nhà tiếp thị truyền thông mạng xã hội hay các nhà quản lý.

Lượng tiếp cận tự nhiên đang trên đà giảm dần, vì thế bạn có thể sẽ phải đầu tư vào các mẫu quảng cáo để có thêm nhiều lượt tiếp cận. Và “tuổi thọ” của các bài viết được viết cẩn thận trên trang của bạn đáng buồn là khá ngắn.

Tuy nhiên, các nhà làm marketing trên Facebook vẫn còn nhiều lý do khác để tiếp tục lạc quan. Khả năng người sử dụng đăng các đánh giá và xếp hạng trên các trang của doanh nghiệp địa phương, ví dụ như đưa ra những cơ hội hấp dẫn cho các công ty với hy vọng sẽ nhận được nhiều lợi ích nhất từ mạng xã hội.

Hãy cùng đi sâu hơn vào tác động của đánh giá và xếp hạng của Facebook đối với khách hàng và doanh nghiệp – và những gì bạn có thể làm để đáp ứng chiến dịch marketing của bạn.

1. Việc nhận xét trên Facebook đang phát triển nhanh gấp 4 lần so với việc nhận xét trên các trang web khác

Đội nghiên cứu của chúng tôi tại Review Trackers đã phân tích các xu hướng quanh nhiều site nhận xét khác nhau và các kênh nhận phản hồi, bao gồm Yelp, Google, TripAdvisor và Foursquare.

Chúng tôi tập trung từng chi tiết vào số lượng các lời nhận xét và tốc độ nhận xét (tốc độ mà một lời nhận xét được đưa ra) của 250 nhà hàng trong thời kì 6 tháng.

Liên quan tới sự phát triển trong việc đưa ra nhận xét, Facebook đã làm tốt hơn các trang khác, đưa ra lượt nhận xét nhanh gấp 4 lần so với người đứng thứ 2 là TripAdvisor, Google và Yelp lần lượt đứng thứ 3 và thứ 4.

Điều này có nghĩ rằng người dùng có vẻ thích dùng Facebook hơn so với Yelp. Dĩ nhiên, bạn có thể kích hoạt việc đưa ra việc bình luận và nhận xét trên Facebook. Nếu bạn không thể, bạn phải thay đổi loại trang của bạn thành doanh nghiệp địa phương và thêm thông tin địa chỉ của bạn.

Điều này cũng có nghĩa rằng bạn nên nỗ lực hơn trong việc lắng nghe mạng xã hội. Hãy phản ứng với việc nhận xét cũng nhanh nhẹn như khi bạn đăng bình luận và tin nhắn cá nhân.

Và cũng đừng lo lắng khách hàng nghĩ gì. Hãy sử dụng việc nhận xét trên Facebook như là một công cụ cho marketing chứng thực.

Nên nhớ rằng: Một trang với hàng ngàn lượt thích hoặc những bài đăng câu like nhiều sẽ không thật sự cần thiết cho việc xây dựng độ tin cậy và sự yêu thích với các khách hàng tiềm năng, tuy nhiên một xếp hạng 5 sao xác thực và làm nổi bật những lời nhận xét từ những gì khách hàng hài lòng lại có thể làm được.

2. Các đánh giá trên Facebook đóng vai trò khá quan trọng đối với việc mua hàng

Nếu càng ngày càng nhiều người đăng các đánh giá lên Facebook, thì cũng sẽ kéo theo đó lượng người đọc đánh giá tăng lên.

Những đánh giá này, cùng với các loại nội dung khác trên Facebook, tác động trực tiếp đến khách hàng thông qua các giai đoạn khác nhau của việc mua hàng.

Dưới đây là một số thống kê thú vị (từ một nghiên cứu của Social Media Link và một báo cáo của AdWeek):

  • Giai đoạn nhận thức: 54% người dùng xem facebook – cùng với các website bán lẻ – là nơi phổ biến nhất để biết thêm về các sản phẩm và thương hiệu mới. Facebook cũng là kênh xã hội mà 62% khách hàng tìm đến để tìm hiểu về các doanh nghiệp địa phương.
  • Giai đoạn xem xét: 80% khách hàng nói rằng họ sẽ muốn mua hàng hơn khi họ thấy các đánh giá tích cực trên trang Facebook của doanh nghiệp. Đối với 41% khách hàng, yếu tố quan trọng nhất để được thu hút tới các trang doanh nghiệp địa phương là sự hiện diện của các đánh giá và xếp hạng.
  • Giai đoạn sau mua hàng: Khoảng 66% người dùng muốn chia sẻ kinh nghiệm, suy nghĩ, và ý kiến về việc mua hàng là những người có xu hướng hay chia sẻ trên Facebook. Ngoài ra, sau khi mua hàng, 1 phần 3 người dùng sẽ kết nối với trang doanh nghiệp trên Facebook, trong khi chỉ khoảng 2 trong 10 người sẽ kết nối với doanh nghiệp thông qua website hay cộng đồng của họ.

Việc thành công trên mạng xã hội đòi hỏi khả năng biết lắng nghe; chứ không phải chỉ là xem ai là người “nói to nhất”.

Trong bối cảnh đó, các nhà làm tiếp thị trên Facebook nên nhận ra rằng mạng xã hội không chỉ là một nền tảng đem lại khả năng hiển thị, tương tác và tiếp cận. Nó còn là một nguồn thông tin về các phản hồi của khách hàng cực đáng giá – loại dữ liệu bạn cần để đánh giá tình cảm của khách hàng với thương hiệu và kết nối với khách hàng để mua bán hàng.

3. Facebook cũng có một tính năng tìm kiếm địa phương, và nó dựa trên các đánh giá và xếp hạng

Yelp và Google là những công cụ tìm kiếm ưu tiên điển hình của các nhà làm Marketing, nhưng Facebook sẽ sớm tham gia và danh sách này. Năm ngoái, Mạng xã hội này âm thầm mở ra một tính năng tìm kiếm địa phương gọi là Professional Services, ứng dụng này đã cho phép người dùng có một khả năng tìm kiếm những doanh nghiệp được xếp hạng cao nhất trong một vùng địa lý nhất định.

Kết quả tìm kiếm được xác định bởi các điểm xếp hạng và đánh giá. Như Yelp và Google, Professional Services của Facebook lập ra một danh sách những doanh nghiệp địa phương hàng đầu thông qua số lượng mở rộng các danh mục, từ thợ sửa ống nước và các salon làm đẹp đến các công ty bảo hiểm và các tổ chức làm sự kiện đám cưới.

Trên trang kết quả tìm kiếm, người dùng có thể thêm các bộ lọc dựa vào các danh mục doanh nghiệp nhỏ.

Mặc dù nó vẫn chưa phát triển như Yelp (Professional Services chỉ có bản dùng trên máy tính), nhưng tính năng tìm kiếm địa phương của Facebook này có thể giúp các nhà làm marketing thật sự tận dụng được các đánh giá và xếp hạng để có các lượt tiếp cận tự nhiên.

Nó cũng cung cấp cho bạn thêm một lý do để thường xuyên cập nhật thông tin trên trang Facebook và cải thiện mức độ tìm kiếm liên quan của thương hiệu bạn trên mạng xã hội. Việc xếp hạng đầu trên Professional Services cũng là một cơ hội quảng cáo đáng giá như các cơ hội khác – và bạn lại không cần trả tiền nữa chứ.

Với một sự hiểu biết tốt hơn về việc xếp hạng và đánh giá ảnh hưởng như thế nào đến hành vi khách hàng và danh tiếng thương hiệu, nhà làm Marketing có thể quản lý các chiến dịch và chiến lược hiệu quả hơn – và cũng cung cấp được thêm kinh nghiệm phong phú, hấp dẫn hơn cho người dùng trên Facebook.

Nguồn: Digitalk

Bí quyết tiếp thị nội dung của Netflix

Không chỉ dẫn đầu công cuộc cách mạng nền công nghiệp giải trí, Netflix còn đi tiên phong trong việc sáng tạo cách tiếp thị nội dung (content marketing) mới mẻ và độc đáo cho mỗi chương trình của mình.

Khởi đầu từ một công ty cho thuê đĩa DVD, giờ đây Netflix đã trở thành một trong những trang web về streaming phổ biến hàng đầu thế giới, thống trị internet và tấn công ngành công nghiệp giải trí như một cơn bão. (Thuật ngữ streaming chỉ việc dữ liệu được nén và truyền liên tục, người dùng web không phải chờ tải tập tin về mà có thể xem ngay).

Đến thời điểm hiện tại, nhà cung cấp toàn cầu về phim và chương trình truyền hình streaming này đang sở hữu đến 81 triệu thuê bao từ 190 quốc gia. Gần đây, Netflix đẩy mạnh tấn công vào thị trường châu Á với loạt chương trình dành riêng cho khán giả khu vực này. Điển hình là chương trình sắp ra mắt tại Ấn Độ dựa trên tiểu thuyết nổi tiếng Sacred Games của Vikram Chandra.

Netflix có khả năng sớm trở thành cái tên phổ biến trong từng hộ gia đình trên toàn châu Á với số thuê bao ước tính khoảng 9 triệu vào năm 2020 (theo báo cáo của Media Partners). Bí quyết của họ là đây:

Dám khác biệt

Trong một buổi phỏng vấn hồi cuối tháng Tư với Hollywood Reporter, ông Ted Sarandos – Giám đốc nội dung của Netflix đã chia sẻ: “Với các nguyên tắc cơ bản của truyền hình, tôi có một sự tôn trọng sâu sắc, thậm chí với cả những gì thuộc về truyền thống, nhưng sùng bái thì không”.

Thái độ mạnh dạn thách thức những quy ước cũ này được phản ánh nhiều trong mô hình truyền tải nội dung của Netflix. Trong một cuộc khảo sát năm 2013 tại 16 thị trường, Netflix nhận thấy có đến 73% người xem trực tuyến thích xem một chương trình hàng giờ liên tục (binge-watch) và hầu như không say mê ngay từ tập đầu tiên. Trong khi các trang web streaming khác chỉ ra từng tập một mỗi tuần, thì Netflix quyết định phá vỡ quy chuẩn đó bằng cách phát sóng toàn bộ chương trình một lúc.

Bằng cách làm đó, Netflix cho phép người xem hoàn toàn kiểm soát cách xem cũng như thời gian thưởng thức các chương trình mà họ mong muốn. Thậm chí, điều này còn khiến Netflix trở nên linh hoạt và đổi mới hơn trong cách phát sóng.

Ông Sarandos nhấn mạnh: “Nếu viết về nó thì đầu tiên hãy coi nó là một bộ phim dài 13 giờ. Chúng ta không cần tóm tắt. Chúng ta cũng không cần mấy tình tiết hồi hộp cuối mỗi tập. Bạn có thể viết hoàn toàn khác đi bởi tập tiếp theo sẽ được chiếu ngay lập tức”.

Sáng tạo mang lại giá trị

Ngoài việc khác biệt, Netflix còn tự hào về sự độc nhất vô nhị. Từ Lilyhammer – sê-ri đầu tiên của riêng mình cho đến loạt phim mới nhất – Jessica Jones, Netflix đã tạo ra hàng nghìn thước phim nguyên bản và chuẩn bị tung ra thêm 600 giờ phim như thế nữa trong năm nay.

Thay vì xào nấu lại các nội dung cũ, Netflix sáng tạo nội dung hoàn toàn mới và theo hướng độc quyền. Chính điều này đã khiến Hãng trở nên khác biệt trong hàng tá các trang web về video streaming. Bạn không thể xem sê-ri Orange Is The New Back hoặc Daredevil trên bất cứ trang nào khác ngoài Netflix.

Loạt phim đầu tiên được phát sóng rộng rãi do Netflix sản xuất là House of Cards. Và nó đã thành công đến mức trở thành biểu tượng tiên phong cho một mô hình phân phối nội dung mới, mở đường cho chiến lược kinh doanh của hãng và thiết lập phong cách sản xuất những chương trình tiếp theo.

Ted Sarandos (phải) – Giám đốc nội dung và CEO Reed Hastings của Netflix.

Nội dung là vua

Với nỗ lực cải thiện hệ thống giới thiệu phim, được gọi là Cinematch của mình, Netflix ra mắt Netflix Prize vào năm 2009. Đây là cuộc thi mở rộng nhằm tìm ra thuật toán lọc tốt nhất, dựa theo xu hướng xem yêu thích của khán giả mà dự đoán xếp hạng của người dùng. Giải thưởng cho người thắng cuộc là 1 triệu đô la. Kiến thức chính là sức mạnh, và cùng với nó, Netflix có thể tùy chỉnh và giới thiệu nội dung đến khán giả một cách chính xác hơn.

Tuy nhiên, những câu chuyện mới là điều thật sự chiếm được cảm tình của khán giả, chứ không phải số liệu. Ngoài lượt xem và xếp hạng, nội dung chính là vua. Netflix luôn chú trọng điều này và tiếp tục ưu tiên chất lượng nội dung hơn là số lượng.

Tập trung vào cá nhân, coi khán giả là bạn

Từ chiến lược kinh doanh và mô hình định giá đến việc truyền tải và sáng tạo chiến lược tiếp thị nội dung, Netflix luôn tập trung vào các cá nhân. Netflix nâng sự cá nhân hóa lên một bước mới khi tạo ra đến 10 đoạn phim quảng cáo khác nhau cho sê-ri House of Cards. Mỗi quảng cáo là một trọng tâm riêng. Cái thì đề cao các nhân vật nữ, cái thì đi sâu vào chính trị. Tùy vào sở thích và lịch sử theo dõi chương trình, mỗi khi một người xem nào đó truy cập vào trang web của Netflix thì lại xuất hiện một đoạn quảng cáo khác nhau.

Điều đó cho thấy, cốt lõi trong thành công của Netflix là sự cởi mở và cam kết lắng nghe khán giả. Netflix ưu tiên xây dựng mối quan hệ lâu dài với người xem, biết chính xác cần kể câu chuyện nào, vào khi nào và với ai.

Qua khảo sát, Netflix biết được khán giả mong muốn điều gì và đáp ứng nhu cầu đó. Ví dụ, hãng cho phép một tài khoản bao gồm đến năm hồ sơ cá nhân. Nhưng cho dù có dùng chung tài khoản, thì chương trình yêu thích hoặc lịch sử xem của bạn cũng sẽ không bị lẫn lộn do chương trình đã được cá nhân hóa. Điều này đặc biệt quan trọng, vì 2/3 người sử dụng Netflix dùng chung tài khoản.

Tiếp thị có ý nghĩa và sáng tạo

Sức hấp dẫn mà Netflix tạo dựng xung quanh các chương trình của mình là có thật. Netflix tránh xa cách quảng cáo tiếp thị thông thường là tạo ra những ồn ào nhất thời. Thay vào đó, hãng sáng tạo các ý tưởng tiếp thị của mình theo cách ý nghĩa và phù hợp hơn. Ví dụ điển hình là quảng cáo về Orange is the New Black mà Netflix cho chạy trên The New York Times vào năm 2014.

Netflix cá nhân hóa chương trình yêu thích hoặc lịch sử xem của từng người, dù họ dùng chung tài khoản.

Đó là một bài báo dài 1.500 từ về việc giam giữ nữ từ nhân ở Mỹ, với cả hình ảnh, video, biểu đồ và âm thanh. Bằng cách kết hợp tiếp thị và báo chí, Netflix không đơn thuần là giải trí, mà nó làm nổi bật việc cần thiết phải có một cuộc nói chuyện về việc đấu tranh của các tù nhân nữ.

Netflix cũng nhắm đến việc mang những nội dung mà hãng sản xuất ra ngoài đời thực cho khán giả trải nghiệm. Tại Singapore, nơi mà sê-ri Orange is a New Black cực kỳ nổi tiếng, Netflix đã biến nhà hàng OverEasy thành quán ăn lấy bối cảnh trại cải tạo Litchfield. Quán này phục vụ các món do bếp trưởng nối tiếng người Singapore Bjorn Shen nấu. Đây là có lẽ là nhà hàng đầu tiên phát triển theo hướng này.

Bất cứ nơi đâu, bất kỳ lúc nào

Netflix cũng nhận thấy rằng chúng ta đang sống trong thế giới mà yếu tố di động là tiên quyết. Đó cũng là lý do mà hãng luôn cung cấp các dịch vụ streaming vô cùng linh hoạt và tương thích với tất cả các thiết bị. Bằng việc kết hợp nội dung số cả ở nhà lẫn lúc ra ngoài, Hãng đã thu hút thêm được một lượng lớn khán giả có nhu cầu tìm kiếm sự di động cho các nhu cầu giải trí của mình.

Netflix là một công ty phát triển nhanh và nắm bắt được nhu cầu của khán giả cũng như cách thức phục vụ họ. Hãng không chỉ cung cấp sản phẩm mà còn là trải nghiệm. Vừa là một hãng giải trí nhưng cũng đồng thời là nhà tiếp thị nội dung, Netflix không chỉ giành được sự chú ý của khán giả trên toàn thế giới, mà quan trọng hơn là chiếm được trái tim của họ.

Netflix đã thực sự thay đổi cách chúng ta nhìn nhận tiếp thị nội dung từ xưa đến nay.

Nguồn: DoanhnhanSaiGon