Tại sao khi sợ hãi, khách hàng lại dễ dàng móc hầu bao hơn?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các yếu tố cảm xúc như sợ hãi, lo lắng, bất an… thường tác động mạnh hơn đến hành vi mua hàng.

AMX là nhà cung cấp dược phẩm dành cho nam giới (cạnh tranh với Viagra bằng một hình thức phân phối khác: khám, tư vấn, kê toa và bán thuốc qua điện thoại – nhằm đáp ứng nhu cầu của đa số người không muốn đến gặp bác sĩ trực tiếp). Công ty này có khoảng 200 chuyên viên bán hàng tại trụ sở ở Sydney và mấy chục phòng mạch ở các tiểu bang Úc và một số quốc gia…

Thông thường một Sales ở AMX có doanh số 4.000 đô/ngày, tức 25.000 đô/tuần. Với hoa hồng 7% – trung bình, mỗi sales kiếm được 1.500 đô/tuần. Riêng Adam có thu nhập luôn gấp đôi mức ấy – thường đạt 3.000 đô hoa hồng hàng tuần – một cách khá dễ dàng & đều đặn. Bí quyết của anh là gì? Đó là nhờ một kịch bản bán hàng khác biệt.

Trong khi những Sales khác tập trung vào những lợi ích nếu dùng sản phẩm (tận hưởng cuộc sống, lấy lại tuổi thanh xuân, giữ gìn hạnh phúc, gia đình đầm ấm và niềm vui cho vợ…) thì Adam chỉ đề cập đến những mất mát nếu không dùng sản phẩm (thiếu tự tin, quan hệ vợ chồng bị ảnh hưởng, hạnh phúc gia đình bị thử thách và kết cục có thể chia tay, tan vỡ…). Bằng cách này, Adam luôn chốt deal nhiều hơn và doanh số tháng nào cũng gấp đôi chuyên viên khác.

Đây là hai kịch bản bán hàng khác nhau – và trong nhiều trường hợp đã giúp mang lại hiệu quả cũng rất khác nhau. Chúng được gọi là ‘selling gains’ (bán lợi ích) ‘selling pains’ (bán sợ hãi). Áp dụng tương tự đối với truyền thông và quảng cáo.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các yếu tố cảm xúc như sợ hãi, lo lắng, bất an… thường tác động mạnh hơn đến hành vi mua hàng. Trong nhiều trường hợp, khách hàng sẽ bị thôi thúc hơn nếu ý thức rằng sẽ bị ‘mất mát’ và ‘thiệt hại’ nếu không mua.

Ngược lại, đôi lúc những lợi ích như tiết kiệm thời gian, tăng lợi nhuận, giảm chi phí… lại chưa đủ mạnh để tác động đến quyết định mua (nôm na là khách hàng sợ bị thiệt hơn là vui vì lợi).

Tuy nhiên, chiến thuật này rất dễ bị lợi dụng dẫn đến ‘hù dọa’ hoặc các ‘thiệt hại’ có thể bị phóng đại hoặc trầm trọng quá mức nhằm tạo áp lực tâm lý cho khách hàng. Một khi người bán hàng chỉ biết quan tâm đến doanh số và lợi nhuận của mình thay vì quyền lợi của khách hàng – khả năng rất cao là điều này sẽ xảy ra. Giới hạn về sự chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là rất mong manh.

Thời gian qua, chiến thuật ‘selling pains’ được sử dụng nhiều qua các chiến dịch truyền thông và quảng cáo của các doanh nghiệp trong nước. Các sản phẩm bao gồm café, mì tôm cho đến rau, thịt hay phẫu thuật thẩm mỹ… với thông điệp đúng đắn và cần thiết đã giúp cho người tiêu dùng nhận thức rõ hơn hậu quả nên tránh của sản phẩm bẩn, dịch vụ kém để có hành vi mua sắm khôn ngoan hơn.

Tuy nhiên, thị trường và người tiêu dùng cũng dễ nhận ra dường như có chiến dịch đã được đẩy đi quá giới hạn, yếu tố ‘hù dọa’ được khai thác quá mức khiến cho các thông điệp truyền thông bị nghi ngờ về tính trung thực.

Nguồn: BrandsVietNam

Tầng lớp trung lưu có thể chiếm 1/2 dân số Việt Nam vài năm tới

Tầng lớp trung lưu có thể chiếm 1/2 dân số Việt Nam vài năm tới

Vào một tối Chủ Nhật bình thường ở trung tâm Tp.HCM, những chiếc xe hơi châu Âu và xe máy Nhật chen chúc nhau ra vào bãi đỗ xe của một khu nhà hàng.

Những món ăn được phục vụ ở khu này có sushi Nhật, đồ Italy, và bia tươi nhập ngoại… Trên tay thực khách là những chiếc iPhone và điện thoại cao cấp khác.

Tờ báo Nhật Nikkei nói rằng cảnh tượng này phản ánh những gì mà công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG) nói về tầng lớp trung lưu đang phát triển với tốc độ nhanh chóng ở Việt Nam.

Theo BCG, “tầng lớp trung và thượng lưu” với mức thu nhập từ 714 USD/tháng ở Việt Nam sẽ tăng lên mức 33 triệu người trong thời gian 2014-2020. Trong khi đó, công ty nghiên cứu thị trường Nielson ước tính rằng dân số thuộc tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ đạt mức 44 triệu người vào năm 2020, và 95 triệu người vào năm 2030.

Tranh thủ cơ hội

Các thương hiệu nước ngoài như Samsung, Starbucks, Dell… vì vậy đang đổ tới Việt Nam để tranh thủ cơ hội này.

Nhấn mạnh về quy mô của thị trường Việt Nam, ông Paul Nguyen, giám đốc điều hành hãng bảo hiểm Manulife, nói: “Cơ hội cho các nhà bảo hiểm nhân thọ là vô hạn ở Việt Nam”. Ông Paul Nguyen cũng nói Việt Nam là quốc gia có mức độ phủ sóng bảo hiểm thấp nhất ở khu vực Đông Nam Á và hiện có 17 công ty bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam với nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút khách hàng.

Một cửa hiệu McDonald’s ở Việt Nam.

Anh Nguyen, 25 tuổi, làm việc cho một tổ chức của châu Âu và công ty gia đình, có thu nhập 1.000 USD/tháng. Cô thích ăn các món ăn ngoại và đi du lịch nước ngoài. “Với số tiền như vậy, tôi không sống xa xỉ nhưng có thể sống thoải mái. Nếu tôi muốn đi du lịch thì điều đó không có gì là khó”, Anh Nguyen nói.

Với mức thu nhập ngày càng tăng, người Việt Nam ngày càng ưa thích các thương hiệu nước ngoài nổi tiếng, chẳng hạn điện thoại thông minh của Apple, Samsung, Sony… Samsung chiếm 35,6 % thị trường điện thoại di động tại Việt Nam trong năm 2015, Apple chiếm 24% – theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường công nghệ IDC.

Các nhà sản xuất smartphone quảng bá sản phẩm rất mạnh tại hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và Tp.HCM. Những công ty có ngân sách hạn hẹp hơn thường cung cấp biển hiệu, trang trí… cho các cửa hiệu bán lẻ đồ điện tử, trong khi các công ty lớn chi đậm cho quảng cáo, khuyến mãi và đại sứ thương hiệu.

Dang Thi Hien, 42 tuổi, làm nghề trợ lý tư pháp, vừa mua một chiếc smartphone Samsung giá 100 USD. “Tôi thực sự không thích hàng Trung Quốc”, bà Hien, người có mức lương hiện tại 5.000 USD/tháng, nói. Theo bà Hien, hàng điện tử và mỹ phẩm Hàn Quốc cũng là sản phẩm được tầng lớp trung lưu Việt Nam ưa thích.

Các công ty bán lẻ nước ngoài không muốn bỏ lỡ cơ hội ở Việt Nam. Tập đoàn Aeon của Nhật mới đây đã khai trương trung tâm mua sắm thứ tư tại Việt Nam.

Tập đoàn Aeon của Nhật đã khai trương trung tâm mua sắm thứ tư tại Việt Nam.

Hãng máy tính Dell cho biết người Việt Nam ngày càng chuộng những hàng hóa có mức giá cao hơn. “Người tiêu dùng Việt Nam, chủ yếu là thế hệ trẻ, sành công nghệ hơn, dẫn tới nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm công nghệ cao”, Cuong Thinh Nguyen, một nhà quản lý phát triển kinh doanh của Dell tại Việt Nam, cho biết.

Cuộc đua tăng tốc

Các nhà bán lẻ nước ngoài thường “thử” thị trường Việt Nam bằng cách mở từng cửa hàng một. Chẳng hạn, hãng bán lẻ Mitra Adiperkasa của Indonesia đã gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 9 vừa rồi thông qua khai trương cửa hiệu nhượng quyền của thương hiệu thời trang Tây Ban Nha Zara. Đây là cửa hiệu Zara đầu tiên tại Việt Nam, đặt tại Tp.HCM, có diện tích 2.400 mét vuông.

Các nhà hàng nước ngoài cũng mọc lên như nấm tại các thành phố lớn của Việt Nam.

“Người Việt Nam rất quan tâm đến vẻ bề ngoài”, ông Oscar Mussons, nhà tư vấn kinh doanh quốc tế thuộc công ty Dezan Shira & Associates, nhận định. “Nếu bạn vào một ngôi nhà ở Việt Nam, họ có thể không có một cái giường lớn hay một cái bàn lớn, nhưng họ lại có điện thoại di động và xe máy vì đó là những thứ họ có thể ‘khoe’ khi đi ra ngoài”.

Những nhà hàng Nhật và nhà hàng đồ ăn nhanh của Mỹ – nếu sạch sẽ, rộng rãi, và sáng sủa – đều được coi là nhà hàng cao cấp ở Việt Nam.

McDonald’s đã mở 3 cửa hiệu đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2014. Tại thời điểm đó, McDonald’s được người Việt Nam coi là một thương hiệu nhà hàng mang tính biểu tượng. Chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh này hy vọng sẽ có 100 cửa hiệu tại Việt Nam vào năm 2024.

Kết quả thăm dò do Nielsen tiến hành cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam ở mức cao thứ 5 trên thế giới vào quý 1/2016.

Các thương hiệu đồ ăn nhanh khác như Burger King, Dunkin Donuts, Starbucks, và Jollibee đều đang chạy đua ở Việt Nam. Jollibee đã mở cửa hiệu thứ 5 tại Hà Nội vào tháng 8 vừa qua, nâng tổng số cửa hiệu tại Việt Nam lên con số 81.

Kết quả thăm dò do Nielsen tiến hành cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam ở mức cao thứ 5 trên thế giới vào quý 1/2016. Hãng nghiên cứu này cũng nhấn mạnh 57% người Việt Nam hiện dưới 35 tuổi, và số người ra tốt nghiệp đại học ở Việt Nam đã tăng 60% trong vòng một thập kỷ qua.

Cùng với sự gia tăng của thu nhập, nhu cầu nhà ở cao cấp ở Việt Nam cũng tăng lên.

Nhà nghiên cứu thị trường Aparna Bharadwaj của BCG nói rằng các công ty nước ngoài nên tập trung bán các mặt hàng mỹ phẩm, thiết bị viễn thông, các sản phẩm sữa cao cấp, các sản phẩm vệ sinh, và “trải nghiệm” như du lịch khi vào thị trường Việt Nam. Chuyên gia này cũng nói rằng người tiêu dùng Việt Nam chuộng những sản phẩm có ích cho cả gia đình.

“Người tiêu dùng Việt Nam rất hướng về gia đình”, bà Bharadwaj nói. “Điều này có ở 10 quốc gia Đông Nam Á, nhưng thể hiện rõ hơn cả ở Việt Nam”.

Nguồn: BrandsVietNam

8 điều thương hiệu cần biết về Digital Video

Sức mạnh của Video trực tuyến đã được khẳng định. Thị trường nhận thức rất rõ tầm quan trọng của Online Video, đặc biệt từ năm 2006, khi Google thâu tóm YouTube trong một thương vụ trị giá 1,5 tỷ USD.

Nhưng rất nhiều điều đã đổi thay kể từ thời điểm đó. Thực tế đang đặt ra câu hỏi: Liệu Video trực tuyến có còn hiệu quả trong tương lai? Câu trả lời là “Rất có thể”. Và nếu điều đó thành sự thật – Video chính là tương lai của Internet, thì đây là những gì mà mọi thương hiệu cần phải biết.

dimaco-271016-002

Video đang thay đổi diện mạo nhiều dịch vụ trực tuyến

Có không ít bằng chứng cho thấy sự bùng nổ của Video trên Internet trong thời gian sắp tới. Một trong những bằng chứng mạnh mẽ nhất chính là việc Video đang khẳng định tầm ảnh hưởng của mình đối với những dịch vụ trực tuyến nổi bật (mà khác với YouTube) trước đây chưa thực sự quan tâm đến mảng Video.

Điển hình là Instagram, ứng dụng chia sẻ hình ảnh nổi tiếng trên mạng xã hội. Đầu năm nay, Instagram đã tuyên bố nâng thời lượng tối đa của Video trên nền tảng từ 15 lên 60 giây. Công ty lý giải, bởi thời gian người dùng xem Video trên Instagram đã tăng hơn 40% chỉ trong 6 tháng. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng này sẽ dừng lại. Và mặc dù Instagram vẫn phổ biến như một ứng dụng chia sẻ hình ảnh, nhưng Video đang chiếm tỷ lệ ngày càng lớn hơn trong hỗn hợp nội dung của nền tảng này.

Tầm ảnh hưởng của Video thậm chí còn rõ ràng hơn nếu nhìn vào “ông chủ” của Instagram là Facebook. Mạng xã hội hàng đầu thế giới này là một trong những nền tảng chia sẻ Video phổ biến nhất hiện nay và là mối đe dọa thực sự đối với YouTube. Nhưng Facebook không chỉ ngấp nghé vượt qua mỗi YouTube, họ còn cho thấy tiềm năng dẫn đầu thị trường về dịch vụ Video.

Tại hội thảo mới đây ở London, Nicola Mendelsohn, Phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Facebook, dự đoán trong 5 năm tới, “có lẽ” trên mạng xã hội chỉ còn “toàn là Video”.

Mendelsohn khẳng định: “Nếu tôi phải đặt cược, đó sẽ là Video, Video và Video”. Tại sao? Bởi Video có tác động cực kỳ mạnh mẽ.

“Cách tốt nhất để kể chuyện trong thế giới Internet, nơi tràn ngập vô vàn thông tin, chính là dùng Video. Video có khả năng truyền tải lượng thông tin khổng lồ trong tích tắc, giúp người dùng tiếp nhận nhiều thông tin hơn hẳn.”

dimaco-271016-003

Nhưng Video Ad không phải là tất cả …

Với những thương hiệu đang tìm cách tận dụng lợi thế của thiết bị di động (Mobile), quảng cáo Video là chiến lược trong tầm tay.

Thông thường, khi sản xuất Video quảng cáo số đặc biệt là quảng cáo chất lượng cao, thương hiệu không chọn cách tái sử dụng nội dung từ các spot quảng cáo truyền hình. Nhưng hóa ra, dùng lại quảng cáo truyền hình lại cách đơn giản nhất nếu thương hiệu muốn khởi đầu một cách thận trọng với Video trực tuyến, bởi người dùng vẫn ít phản cảm với quảng cáo truyền hình hơn quảng cáo số.

Những định dạng quảng cáo số quen thuộc nhất với Brand Marketer, như định dạng “pre-rolls”, lại không được nhiều người dùng ưa thích. Chính điều này đã gây cho quảng cáo số sự cố không mong muốn về khả-năng-nhìn-thấy-quảng-cáo (Viewability). Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều thương hiệu bắt đầu tìm kiếm phương thức khác để quảng bá bằng Video, ngoài hình thức Video Ad thuần túy.

Ví dụ: Một số thương hiệu đang tạo nội dung Video gốc trên các nền tảng như Instagram, gồm cả những mini-series nhiều tập, và khuyến khích người dùng tự tạo nội dung như một phần của các cuộc thi có giải thưởng (Contest).

Thương hiệu cũng phối hợp với những nhân vật có tầm ảnh hưởng (Influencer) để đồng sáng tạo nội dung, đồng thời sử dụng Video về sản phẩm để tăng tỷ lệ chuyển đổi và giá trị trung bình của đơn hàng.

Nhìn chung trong ngắn hạn, có nhiều cách để thương hiệu tận dụng thời cơ từ Video trực tuyến. Và Video Ad chưa hẳn là cách tối ưu để khai thác tiềm năng của Video.

Live Video không phải xu hướng nhất thời

Video phát trực tiếp là xu hướng nổi bật nhất hiện nay. Vô số thương hiệu đang sử dụng các ứng dụng phát Video trực tiếp như Meerkat (của công ty Life on Air), Periscope (của Twitter), và Facebook Live (của Facebook).

Việc Facebook đầu tư mạnh cho Live Video đã nhận được sự tưởng thưởng xứng đáng. Theo Phó chủ tịch Mendelsohn của Facebook, tính năng phát trực tiếp đang trở thành hiện tượng bùng nổ mạnh mẽ ngoài sức tưởng tượng. Live Video có khả năng thu hút người dùng cực lớn với mỗi Live Video đạt số bình luận gấp 10 lần Video thường.

Tuy nhiên, dù Live Video tăng trưởng rõ nhất trên các nền tảng xã hội như Facebook, nhưng thương hiệu vẫn cần nhớ, Live Video không chỉ dành cho mạng xã hội. Bằng chứng là sự thành công của Style Code Live, một chương trình truyền hình mua sắm do “gã khổng lồ” bán lẻ trực tuyến Amazon sản xuất. Style Code Live được phát sóng trực tiếp với thời lượng 30 phút hàng ngày từ Thứ Hai đến Thứ Sáu. Chương trình mời những Influencer đến giới thiệu về các xu hướng mới, kết hợp với tính năng tương tác trực tiếp và làm nổi bật sản phẩm đang được giới thiệu để thúc đẩy người xem mua hàng.

Mobile không phải là rào cản

Nếu có ai đó ngờ vực khả năng phát triển của Video trong tương lai, lý do lớn nhất có lẽ do sự giới hạn về hiệu suất của thiết bị di động, vấn đề băng thông và chi phí sử dụng dữ liệu.

Nhưng tiến bộ trong công nghệ di động và khả năng cắt giảm chi phí dữ liệu đã cho thấy, việc di động phổ biến sẽ không phải là trở ngại lâu dài cho sự phát triển của Video trên Internet.

Số liệu thống kê của Facebook càng củng cố điều này. Như Mendelsohn tiết lộ, người dùng Facebook dành trung bình 100 triệu giờ mỗi ngày để xem Video trên di động.

dimaco-271016-004

Âm thanh trở thành tính năng “tùy chọn”

Từ lâu Video vẫn được xem là phương tiện truyền đạt âm thanh lẫn hình ảnh. Nhưng Internet đang thay đổi điều này.

Trên Twitter và Facebook hiện nay, Video thường có tính năng “phát tự động” (Autoplay) trong im lặng. Thách thức đặt ra cho thương hiệu là phải đảm bảo sự hấp dẫn cho nội dung Video ngay cả khi không có âm thanh. Một trong những kỹ thuật ngày càng phổ biến giúp thương hiệu làm được điều này là Texted Video, dạng Video thời lượng ngắn hiển thị văn bản thay vì phát âm thanh.

Video không chỉ dành cho thương hiệu lớn

Nội dung (Content) là yếu tố quyết định thành công của Video trực tuyến. Để sản xuất nội dung Video chất lượng cao đôi khi cần đến ngân sách thực sự “hoành tráng”. Nhưng nhu cầu cắt giảm chi phí ngày càng tăng, và thương hiệu cũng có nhiều công cụ hơn bao giờ hết để tạo nội dung Video mà không cần mức chi tiêu đến năm, sáu hoặc bảy con số.

Chẳng hạn, rất nhiều nền tảng cung cấp dịch vụ Video hiện nay đã tìm cách tiếp cận những doanh nghiệp nhỏ nhất trên thị trường. Mới đây, YouTube vừa ra mắt YouTube Director, một ứng dụng miễn phí cung cấp các biểu mẫu và công cụ để tạo quảng cáo Video dành cho doanh nghiệp với ngân sách nhỏ. Thậm chí đối với doanh nghiệp chi từ 150 USD cho quảng cáo YouTube, họ sẽ được nhà làm phim chuyên nghiệp đến tận nơi, quay và chỉnh sửa Video quảng cáo miễn phí.

Công nghệ mới sẽ thay đổi “cuộc chơi”

Những công nghệ mới, như công nghệ thực tế ảo (VR) đang mang đến cơ hội mới để thương hiệu sáng tạo nội dung Video hấp dẫn.

Một số công nghệ khá đắt đỏ như loại máy quay thực tế ảo chuyên nghiệp (Pro VR Camera) đôi khi có giá hàng chục ngàn USD. Nhưng một số công nghệ khác như máy bay không người lái (Drones) lại có giá phải chăng hơn mà vẫn đảm bảo sức hút của Video.

Ví dụ: Dolphin & Whale Watching Safari, một công ty nhỏ cung cấp tour du lịch xem cá voi tại Nam California, đã dùng Video quảng cáo quay bằng máy bay không người lái và nhận được phản hồi tuyệt vời. Video của họ thu hút hàng triệu lượt xem trên YouTube chỉ trong thời ngắn.

 

Cơ hội kiếm lời từ thị trường ngách

So với những kênh truyền thông khác như radio hay truyền hình, mạng Internet đặc biệt phù hợp và là môi trường thuận lợi cho Video phát triển. Sự phổ biến của Internet đã tạo thêm nhiều thị trường “ngách” hấp dẫn cho loại hình Video kỹ thuật số.

Twitch là một trường hợp. Ra đời năm 2011, dịch vụ chia sẻ Video trực tuyến về Game này được Amazon mua lại năm 2014 với giá gần 1 tỷ USD. Năm ngoái, tổng thời lượng người dùng xem Video trên Twitch đã đạt con số “khủng” – 459.000 năm. Con số này dự kiến tiếp tục tăng bởi dòng Game eSports (thể thao điện tử) đang ngày càng thịnh hành.

Có thể nói, sự phát triển của Video trên Internet chính là cơ hội hoàn hảo để thương hiệu kiếm lời từ các thị trường “ngách”, chẳng hạn như thị trường Video trò chơi, thông qua hình thức quảng cáo (Adveritising), tài trợ (Sponsorship) và sáng tạo nội dung gốc (Original Content).

Nguồn: BrandsVietNam

6 bước để tạo một video marketing hiệu quả

6 bước để tạo một video marketing hiệu quả

Trong bối cảnh internet ngày càng “ăn sâu” vào đời sống con người, video là công cụ truyền thông mà các doanh nghiệp không những không nên bỏ qua, mà còn cần có chiến lược đầu tư.

Bởi, đây là hình thức truyền đạt nội dung một cách chân thật nhất, và các nghiên cứu cho thấy người xem video sẽ mua và giới thiệu sản phẩm cho bạn bè nhiều hơn so với việc nhận thông tin trên các kênh truyền thông khác.

Với sự ra đời của các thiết bị điện tử thông minh, việc tạo một video clip không còn quá khó khăn. Và sau đây là 6 bước để tạo một kênh video có nhãn hiệu chuyên nghiệp, theo chuyên gia marketing Mark Fidelman:

1. Học hỏi từ chuyên gia bên ngoài trước

Để tạo được một kênh video chất lượng khó hơn nhiều so với việc viết blog. Bạn cần phải tải video lên, chỉnh sửa, điều chỉnh âm thanh, âm lượng, viết nội dung. Tất cả những việc này, tốt nhất là bạn nên nhờ đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia bên ngoài trước để học hỏi kinh nghiệm của họ.

2. Nhờ chuyên gia làm “đại sứ”

Nếu bạn không có sẵn khả năng để đứng trước ống kính camera, hãy tìm đến những người có sức ảnh hưởng lớn trong ngành của bạn, những người có thể đứng trước camera và chia sẻ thông tin tới khán giả của bạn một cách hiệu quả.

6 bước để tạo một video marketing hiệu quả

6 bước để tạo một video marketing hiệu quả

3. Sử dụng các ứng dụng

Nếu bạn đang hướng đến khách hàng là doanh nghiệp (giao dịch B2B), hãy xác định những khiếm khuyết trong sản phẩm, dịch vụ bạn cung cấp, đặt câu hỏi cho chúng và trả lời qua video YouTube. Bạn có thể sử dụng ứng dụng Google Keyword Planner trong trường hợp này. Bạn chỉ cần đánh vào câu hỏi và ứng dụng này sẽ cho thấy mức độ thắc mắc của khách hàng.

4. Đưa video lên YouTube

Bạn có thể tải video lên Facebook, nhưng YouTube sẽ đem về điểm chấm SEO cao hơn, bạn sẽ được giữ video trên đó trong thời gian dài và nó cũng là nơi nhận được nhiều tìm kiếm hơn.

5. Luôn luôn sẵn sàng cho các cuộc gọi thắc mắc

Hãy đưa lên những đường link và ghi chú đi kèm cùng video, sử dụng phần bình luận để hỗ trợ bạn trong điều này. Bạn cần chứng tỏ rằng mình luôn sẵn sàng trả lời các câu hỏi. Điều này cũng tương tự như trong viết blog, nhưng với video bạn sẽ thấy mình có thể chủ động hơn nhờ các ứng dụng mới mà YouTube cung cấp, ví dụ như những thống kê về số lượng người mua sản phẩm, tạo tài khoản cho một dịch vụ nào đó, hay tải về video của bạn.

6. Thử nhiều lần

Hãy sử dụng hỗ trợ phân tích mà YouTube, Facebook, hay bất cứ hệ thống nào để chỉnh sửa, thêm nội dung, di chuyển video, thử qua những ứng dụng phần mềm… Làm như vậy cho đến khi bạn có được một video đáp ứng đủ yêu cầu cho khán giả của mình.

Để tạo một video chuyên nghiệp, bạn có thể phải làm nhiều hơn 6 điều trên. Nhưng đây là những gợi ý tốt nhất cho những người mới bắt đầu.

Nguồn: BrandsVietNam

Bí quyết bảo vệ tài sản nhượng quyền

Bí quyết bảo vệ tài sản nhượng quyền

Nếu nói về phát triển kinh doanh bằng tài sản thương hiệu, nhượng quyền chính là mô hình khai thác triệt để nhất tài sản vô hình này.

Những câu chuyện lùm xùm trên báo chí, nóng hổi trên cộng đồng mạng, đầy ắp những cảm xúc ngược chiều của người tiêu dùng đối với con chuột của Highlands năm 2008, dầu bẩn Đài Loan của BreadTalk năm 2014, hay con ruồi Tân Hiệp Phát vào năm 2015 đã không còn xa lạ. Nếu đặt câu hỏi thiệt hại lớn nhất khi xảy ra sự cố kiểu như thế là gì, câu trả lời có lẽ không nên dừng lại ở doanh số bán hàng sụt giảm trong giai đoạn khủng hoảng. Có một giá trị lớn hơn gấp hàng tỷ lần như thế. Đó là giá trị thương hiệu.

Trên thế giới, tỷ lệ đóng góp của giá trị tài sản vô hình vào giá trị của một doanh nghiệp nằm ở mức 50%, trong đó giá trị thương hiệu chiếm tỷ lệ 38 – 40% tổng giá trị doanh nghiệp (nguồn: Công ty định giá thương hiệu Brand Finance). Như vậy khi khủng hoảng thương hiệu xảy ra, khủng hoảng đó đáng giá gần một nửa giá trị của một doanh nghiệp.

Tại nước ta, do giá trị thương hiệu còn rất thấp, trung bình dưới 5% giá trị doanh nghiệp, nhận thức về việc bảo vệ tài sản cực kỳ quý giá này của doanh nghiệp vì vậy cũng chưa được quan tâm đúng mức. Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong chiến lược quản trị doanh nghiệp là chiến lược quản trị khủng hoảng hoàn toàn bị bỏ ngỏ.

Bí quyết bảo vệ tài sản nhượng quyền

Bí quyết bảo vệ tài sản nhượng quyền

Mô hình nước ép sử dụng công nghệ ép lạnh là mô hình franchise được ưa chuộng hiện nay.

Giá trị tài sản quý giá của doanh nghiệp là thương hiệu. Khi định giá một doanh nghiệp, một trong những phương pháp phổ biến nhất là phương pháp thu nhập – chiết khấu dòng tiền. Phương pháp này đánh giá giá trị “nội tại” của doanh nghiệp, xem xét dòng tiền trong tương lai của doanh nghiệp và sau đó chiết khấu các dòng tiền này về thời điểm hiện tại.

Nếu nói về khả năng có thể dự đoán dòng tiền tương lai, có mô hình nào qua mặt được mô hình hệ thống chi nhánh vì tính xác thực và dễ dàng trong việc dự đoán tương lai dựa vào dữ liệu kinh doanh trong quá khứ? Nếu nói về phát triển kinh doanh bằng tài sản thương hiệu, nhượng quyền chính là mô hình khai thác triệt để nhất tài sản vô hình này.

Cái mà đối tác nhận quyền mua, ngoài quy trình và hệ thống vận hành, chính là niềm tin vào sự phát triển của một thương hiệu. Như vậy, luận về việc nâng cao giá trị doanh nghiệp nói chung hay khai thác tài sản để phát triển kinh doanh nói riêng, thương hiệu chính là tài sản quý giá nhất của một hệ thống nhượng quyền.

Rủi ro cho thương hiệu nhượng quyền nằm ở đâu?

Trong hệ thống nhượng quyền, rủi ro chủ yếu phát sinh từ 2 nguồn chính: chuỗi cung ứng và quan hệ nhượng quyền.

Rủi ro gây ra scandal như vụ án con ruồi gần đây có thể bắt đầu từ bất kể khâu nào trong quy trình sản xuất và cung ứng, từ điểm đầu tiên khi nhập nguyên vật liệu đầu vào cho đến điểm cuối cùng là chuyển giao sử dụng khi sản phẩm, dịch vụ đến tay đối tượng tiêu dùng.

Sự cố dù xảy ra tại bất kỳ chi nhánh nào, chi nhánh thuộc sở hữu công ty hay chi nhánh nhận quyền, uy tín thương hiệu đều bị ảnh hưởng như nhau.

Đối với các mô hình ẩm thực tại chi nhánh như Pizzahut hay Starbucks chẳng hạn, quy trình này còn bao gồm cả việc nhân viên phục vụ tại chi nhánh hoàn thiện sản phẩm như thế nào trước khi phục vụ khách hàng. Khi khách hàng phát hiện có vật thể lạ, sản phẩm bị quá đát, hư hỏng, hay gây ra ngộ độc thực phẩm…, sự cố dù xảy ra tại bất kỳ chi nhánh nào, chi nhánh thuộc sở hữu công ty hay chi nhánh nhận quyền, uy tín thương hiệu đều bị ảnh hưởng như nhau.

Khách hàng không muốn biết và cũng không cần biết sự cố xảy ra tại chi nhánh chủ sở hữu hay chi nhánh nhận quyền. Đối với người tiêu dùng, chỉ có một quan hệ chung là tương tác giữa thương hiệu và người bỏ tiền ra mua hàng. Họ bỏ tiền ra để mua một lời hứa, một sự cam kết từ thương hiệu và lời hứa đó, sự cam kết đó phải được thực hiện ở bất kỳ chi nhánh nào trong hệ thống.

Nguồn rủi ro thứ hai là khủng hoảng quan hệ giữa doanh nghiệp nhượng quyền và đối tác nhận quyền. Tại các thị trường nhượng quyền phát triển, số lượng chi nhánh nhận quyền có thể lên đến con số hàng trăm, hàng ngàn và đi kèm với các quan hệ này là khủng hoảng từ mâu thuẫn lợi ích giữa các bên đối tác.

Mâu thuẫn lợi ích khởi nguồn từ hàng vạn lý do khác nhau, có khi là do hiểu sai về vai trò, trách nhiệm đôi bên, có khi là do doanh nghiệp nhượng quyền hỗ trợ hay giao tiếp chưa hiệu quả, nhưng cũng có khi là do đối tác nhận quyền cố ý làm sai quy trình hay chuẩn mực của thương hiệu.

Dù lý do là như thế nào, khi mâu thuẫn nảy sinh mà không được giải quyết đúng mức hay kịp thời, một mâu thuẫn nhỏ cũng có thể trở thành một sự cố kiểu “con ruồi” kéo dài và ầm ĩ.

Quản trị khủng hoảng thương hiệu nhượng quyền

Khi hiểu được giá trị của thương hiệu, điều doanh nghiệp cần làm là xây dựng kế hoạch quản trị rủi ro, trong đó bao gồm việc ngăn chặn rủi ro có thể xảy ra và giải quyết khủng hoảng khi rủi ro trở thành sự cố.

Mad Mex – mô hình nhượng quyền ẩm thực Mexico đang rất thịnh hành tại Úc.

Đối với rủi ro của chuỗi cung ứng, doanh nghiệp nhượng quyền cần lưu ý những điểm sau:

– Đánh giá và chọn nhà cung cấp chiến lược: Đây là những nhà cung cấp có trách nhiệm sản xuất và cung ứng các mặt hàng chiến lược theo công thức bí mật của doanh nghiệp nhượng quyền. Việc chọn nhà cung cấp chiến lược đòi hỏi doanh nghiệp phải kiểm tra, đánh giá chuỗi cung ứng và tiêu chuẩn, chất lượng của nhà cung cấp theo tiêu chuẩn địa phương và quốc tế.

– Xây dựng quy trình kiểm tra, đánh giá và phê duyệt nhà cung cấp phi chiến lược: Ngoài những nguyên vật liệu và hàng hóa cốt lõi, doanh nghiệp nhượng quyền thường cho phép đối tác nhận quyền chọn và sử dụng nhà cung cấp địa phương đối với các nguyên vật liệu và hàng hóa thứ yếu, hoặc cần sự tươi sống, có thời gian sử dụng ngắn ngày và có sẵn tại thị trường địa phương. Đây chính là đặc điểm tạo ra nhiều rủi ro nhất trong mô hình nhượng quyền. Scandal dầu bẩn của BreadTalk nhắc đến ở trên là ví dụ điển hình về việc các đối tác nhận quyền của BreadTalk, Starbucks, 7-Eleven, trực tiếp hay gián tiếp, đã lựa chọn nhà cung cấp địa phương có vấn đề về chất lượng. Ngoài chuyện xây dựng quy trình quản lý chất lượng và tiêu chuẩn, doanh nghiệp nhượng quyền còn phải huấn luyện, kiểm tra, đánh giá và phê duyệt nhà cung cấp do đối tác nhận quyền lựa chọn.

– Xây dựng quy trình, kiểm tra, đánh giá thường xuyên tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn trong chế biến và phục vụ: Ngoài các vấn đề về nguồn nguyên vật liệu hay hàng hóa từ nhà cung cấp, hàng hóa cũng có thể bị hư tổn trong quá trình vận chuyển, giao nhận, lưu kho, lưu trữ, hoặc đơn giản là trong quá trình chế biến tại chi nhánh trước khi đưa ra phục vụ. Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý xây dựng các quy trình chuẩn, đưa vào triển khai thực hiện, huấn luyện đúng mức cho đội ngũ để họ hiểu rõ về tầm quan trọng của việc thực hiện đối với sự sống còn của thương hiệu.

Chiến lược và kế hoạch bảo vệ thương hiệu phải được đặt lên hàng đầu trong chiến lược quản trị doanh nghiệp.

Đối với rủi ro khủng hoảng quan hệ nhượng quyền, doanh nghiệp nhượng quyền cần xây dựng quy trình và đánh giá sức khỏe quan hệ thường xuyên để có thể dự đoán các vấn đề, đưa ra các giải pháp, từ hỗ trợ đến giao tiếp hiệu quả, trước khi quan hệ có thể bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực.

Trong quy trình dài từ đầu vào đến đầu ra, từ doanh nghiệp nhượng quyền đến chi nhánh nhận quyền, sẽ có một bàn tay cố ý hay vô tình biến rủi ro thành sự cố. Do đó, điều duy nhất doanh nghiệp có thể làm là chuẩn bị quy trình quản lý khủng hoảng, trong đó bao gồm ban giải quyết khủng hoảng, kế hoạch giảm thiểu khủng hoảng từ giải pháp xử lý vấn đề đến giải pháp truyền thông, đến quy định và quy trình giao tiếp, xử lý thông tin nội bộ trong thời gian khủng hoảng.

Quy trình này cần phải được truyền đạt đến tất cả mọi thành viên trong đội ngũ, từ doanh nghiệp nhượng quyền đến đối tác nhận quyền. Khi sự cố xảy ra, toàn bộ quy trình này lập tức được kích hoạt, tất cả thành viên liên quan lập tức hiểu được mình phải làm gì.

Hầu hết các khủng hoảng xử lý không đúng mức hay kịp thời, như sự cố con chuột của Highlands năm 2008 chẳng hạn, chủ yếu là do thông tin không được chuyển tải và xử lý kịp thời, và đội ngũ trực tiếp tương tác với khủng hoảng không được huấn luyện để xử lý khủng hoảng khi xảy ra sự cố.

Khi doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của thương hiệu trong kinh doanh nhượng quyền, chiến lược và kế hoạch bảo vệ thương hiệu phải được đặt lên hàng đầu trong chiến lược quản trị doanh nghiệp. Suy cho cùng, tất cả cũng quy về vấn đề tư duy và tầm nhìn trong kinh doanh. Những việc còn lại, làm gì và làm như thế nào, thật ra chỉ là vấn đề kỹ thuật mà doanh nghiệp nếu không thể tự mình chuẩn bị, cũng có thể nhờ các công ty hay cá nhân tư vấn về quản trị khủng hoảng đồng hành hỗ trợ.

Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn

Bí quyết xây dựng thương hiệu “xanh”

Bí quyết xây dựng thương hiệu “xanh”

Trở thành một thương hiệu “xanh”, tức thân thiện với môi trường không phải là một việc dễ dàng, nhất là trong bối cảnh có khá nhiều thương hiệu cố gắng tự thể hiện hình ảnh thân thiện với môi trường nhưng lại áp dụng những thực tiễn đi ngược lại với mục đích này trong hoạt động của mình.

Theo Jeriann Watkins, một chuyên gia tiếp thị internet của WTC Marketing, cách tốt nhất và có đạo đức kinh doanh nhất để quảng bá hình ảnh thân thiện với môi trường cho thương hiệu của mình là nỗ lực để trở thành một doanh nghiệp thân thiện với môi trường thật sự. Watkins đưa ra những lời khuyên sau đây giúp doanh nghiệp thực hiện điều này.

Sử dụng nguyên vật liệu bền vững

Theo Watkins, trước tiên doanh nghiệp cần phân tích tác động của việc sử dụng các nguồn năng lượng của công ty, bắt đầu từ các sản phẩm và dịch vụ mà mình đưa ra thị trường cũng như các nhà cung cấp, loại bao bì đang sử dụng, hiệu quả của việc sử dụng các khoảng không gian văn phòng, việc đi lại của nhân viên.

Sử dụng các nguyên vật liệu bền vững là một bước quan trọng để xây dựng nhãn hiệu của doanh nghiệp thành một tổ chức thân thiện với môi trường sinh thái. Watkins khuyên doanh nghiệp nên tự đặt ra những câu hỏi sau đây để xác định những việc cần làm nhằm làm giảm tác động tiêu cực lên môi trường.

Bí quyết xây dựng thương hiệu “xanh”

Bí quyết xây dựng thương hiệu “xanh”

Sản phẩm của doanh nghiệp có được làm bằng nhựa? Nếu có thì doanh nghiệp cần đảm bảo rằng đó là loại nhựa có thể tái sử dụng và nên dán nhãn lên sản phẩm bằng các ký hiệu tái chế thích hợp.

Trên trang web của doanh nghiệp nên dành hẳn một chỗ để giải thích vì sao doanh nghiệp đang chọn sử dụng các nguyên liệu hiện tại. Theo Watkins, làm như vậy không chỉ giúp doanh nghiệp thể hiện với khách hàng và công chúng về sự quan tâm đến môi trường của mình mà còn khuyến khích, định hướng cho họ cùng quan tâm, bảo vệ môi trường.

Nhân viên của doanh nghiệp có làm việc độc lập và chủ yếu làm việc trên điện thoại hay máy vi tính? Nếu mô hình kinh doanh của doanh nghiệp không đòi hỏi nhân viên phải phối hợp, làm việc với nhau theo nhóm thì nên áp dụng hình thức làm việc từ xa một số ngày trong tuần hoặc thậm chí toàn thời gian.

Điều này sẽ giảm bớt việc di chuyển, đi lại cho nhân viên, giảm chi phí điện chiếu sáng và sưởi ấm. Làm việc từ xa còn giúp cải thiện tinh thần và hiệu quả làm việc của nhân viên.

Sản phẩm của doanh nghiệp có được làm từ gỗ? Nếu có, hãy đảm bảo rằng đó là gỗ được khai thác từ những nguồn bền vững. Nên mua gỗ có chứng nhận từ những tổ chức như Sustainable Forest Initiative để chắc chắn rằng chúng được khai thác từ những địa điểm thích hợp theo những cách có hướng đến sự phát triển bền vững của rừng và môi trường.

Doanh nghiệp có đang thực hiện các tiêu chuẩn sử dụng năng lượng hàng đầu trên thế giới? Đó là những tiêu chuẩn được xây dựng bởi các tổ chức như LEED. Nếu chưa, thì nên rà soát lại xem doanh nghiệp cần phải thay đổi những gì để tuân theo các tiêu chuẩn này.

Ngay cả khi không thể thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn ấy thì doanh nghiệp cũng nên có những hành động thực tế nhằm giảm lượng khí thải carbon thải trực tiếp ra môi trường. Khi giảm được việc tiêu thụ năng lượng, doanh nghiệp cũng có thể giảm được chi phí hoạt động.

Có nên cải thiện hay loại bỏ cách thức đóng gói hiện tại? Nếu đóng gói sản phẩm bằng bao bì nhựa, hãy khuyến khích người tiêu dùng tái sử dụng bao bì.

Nhưng theo Watkins, doanh nghiệp nên cân nhắc liệu có cần thiết phải đóng gói sản phẩm hay không. Nếu điều đó là thật sự cần thiết thì nên chọn loại bao bì bằng giấy bìa thay vì nhựa có thể tự phân hủy để người tiêu dùng có thể vứt bỏ hoặc tiêu hủy dễ dàng. Có thể nghiên cứu dùng các loại bao bì thủy tinh mà khách hàng có thể tái sử dụng và đưa ra cho khách hàng những lời khuyên về cách tái sử dụng bao bì của sản phẩm.

Tái sử dụng và tặng lại đồ không còn dùng nữa

Watkins khuyên doanh nghiệp nên hạn chế xả thẳng ra môi trường các máy móc, trang thiết bị văn phòng không còn sử dụng nữa khi đến đợt đầu tư, mua sắm mới những vật dụng này. Thay vào đó, nên tặng lại cho các trường học và các tổ chức đang cần một số trang thiết bị như máy vi tính, máy in… Với các thiết bị điện tử đã hỏng và không còn sử dụng được nữa thì nên nhờ các dịch vụ tái chế xử lý để tránh thải các chất độc hại ra môi trường.

Khuyến khích người tiêu dùng và các đối tác cùng bảo vệ môi trường

Cách tốt nhất để làm cho người khác biết đến các nỗ lực bảo vệ môi trường của doanh nghiệp là mời họ cùng tham gia các nỗ lực này. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể khuyến khích nhân viên tiết kiệm điện bằng cách gắn các biển khẩu hiệu nhắc nhở họ tắt đèn và sử dụng ánh sáng tự nhiên, phân loại rác trước khi thải và xử lý thích hợp từng loại rác.

Để khuyến khích khách hàng tham gia, Watkins khuyên doanh nghiệp nên dùng tiếp thị nội dung, khuyến nghị họ tái sử dụng bao bì của doanh nghiệp, giải thích cho họ hiểu những nỗ lực mà doanh nghiệp đang theo đuổi nhằm tạo ra một môi trường “xanh”. Doanh nghiệp cũng có thể tổ chức các ngày vì môi trường hằng năm để mời nhân viên, khách hàng và đối tác cùng tham gia.

Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn

Hãy yêu mến khách hàng!

Hãy yêu mến khách hàng!

Nếu bạn là một nhân viên sales, bạn đứng bán hàng trong cửa hàng của Apple, bạn nở nụ cười thật tươi và mặc một chiếc áo thun màu xanh, chắc chắn bạn sẽ bị đánh giá là một sales kém chuyên nghiệp.

Khi bạn có một ý tưởng mới để trình bày với ông chủ hoặc bạn đi gặp gỡ khách hàng tại các buổi hội thảo, bạn đang cố bán ý tưởng nhưng đồng thời cũng đang cố bán mình.

Do đó, chiến lược bán hàng của mỗi nhân viên sales thực chất là chiến lược làm sao để bán mình được giá và nhanh nhất. Hay nói cách khác, là làm cách nào để khách hàng thích bạn và mua sản phẩm của bạn nhanh nhất.

Hãy yêu mến khách hàng!

Hãy yêu mến khách hàng!

Theo nhà tâm lý học Robert Cialdini, làm cho khách hàng yêu mến bạn là một cách rất tuyệt vời để thuyết phục họ mua hàng của bạn. Nhưng đó lại không phải là cách hay nhất.

Và nếu bạn cứ tìm mọi cách để cho khách hàng thích mình mà bỏ quên đi một nguyên tắc “cốt tử” khác, thì bạn đã mất điểm hoàn toàn trong mắt khách hàng.

“Làm cho khách hàng yêu mến bạn ư? Cũng tốt thôi. Nhưng nếu muốn bán hàng “bách phát bách trúng” thì phải làm cho khách hàng nghĩ rằng bạn yêu mến họ trước đã” – nhà tâm lý học Robert Cialdini nói.

Sở dĩ nguyên tắc này quan trọng bởi ngay khi khách hàng nhận ra được rằng bạn yêu mến họ, khách hàng sẽ không còn đề phòng bạn. Mọi ràng buộc phòng thủ đều được phá vỡ và họ tin rằng bạn đang cố gắng cung cấp những thông tin cũng như dịch vụ tốt nhất cho họ.

“Khi yêu thương ai đó, chúng ta sẽ cố gắng mang lại những điều tốt đẹp nhất cho người mà mình yêu. Vậy thì không có lý do gì để khách hàng không đặt niềm tin vào một người yêu quý họ” – Cialdini lý giải.

Nhưng làm thế nào để có thể cho khách hàng thấy rằng bạn yêu quý họ? Theo Robert Cialdini, cách đơn giản nhất để nói với khách hàng rằng bạn yêu quý họ đó là tìm một điều gì đó ở khách hàng mà bạn cảm thấy thú vị và bình luận về nó. Chẳng hạn như cách nói chuyện tự tin và dễ gần của khách hàng, phong cách thời trang hoàn hảo… Chỉ cần bạn thực sự ấn tượng với một điều gì đó, hãy nói cho họ biết suy nghĩ của bạn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm ra những điểm tương đồng với khách hàng để cùng chia sẻ, chẳng hạn như sở thích chung hoặc quê quán.

“Một khi bạn nhận ra rằng mình và ai đó có những nét tương đồng, bạn sẽ cảm thấy có một sợi dây vô hình gắn kết mọi người lại với nhau. Họ sẽ yêu quý bạn như cách mà bạn đã yêu quý họ và tất nhiên, họ sẵn sàng ký hợp đồng với bạn khi đã có sự gắn kết” – nhà tâm lý học này kết luận.

Nguồn: BrandsVietNam

Khuyến mãi cũng phải "có chiêu"

Khuyến mãi cũng phải “có chiêu”

Hiện nay, hầu hết các công ty bất động sản đều dùng khuyến mãi để kích sức mua dù thị trường không phải quá trầm lắng.

Các hình thức khuyến mãi thường được áp dụng là tặng tiền, vàng, chiết khấu cao, lãi suất cho vay hấp dẫn cùng miễn phí một số dịch vụ và chế độ hậu mãi. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp (DN) còn “khuyến mãi khủng” khi từng đưa ra giải thưởng là du thuyền triệu đô, xe hơi siêu sang, bộ quà tặng điện máy (ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh, dàn âm thanh…) trị giá cả trăm triệu đồng.

Năm 2016, nhiều DN bất động sản tiếp tục tung ra các gói khuyến mãi để thu hút khách hàng. Cụ thể, trong tháng 5/2016, Tập đoàn Novaland công bố tặng phiếu quà tặng mua căn hộ, ưu đãi 1% và phiếu rút thăm trúng ô tô BMW, xe máy Honda SH… cho khách hàng mua bất kỳ sản phẩm nào của Novaland.

Các nhà phát triển bất động sản còn áp dụng chính sách miễn phí dịch vụ, như Vingroup miễn phí dịch vụ 10 năm cho cư dân tại Royal City, Times City, Vincom Village…

Khuyến mãi cũng phải "có chiêu"

Khuyến mãi cũng phải “có chiêu”

Ở lĩnh vực bán lẻ, nhiều chương trình khuyến mãi được thực hiện suốt năm.

 

Các khuyến mãi hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thường được người tiêu dùng ủng hộ. Ảnh: Quý Hòa.

Big C, Co.opmart cũng thường tổ chức các chương trình khuyến mãi lớn. Theo thống kê từ phòng Marketing Saigon Co.op (chủ quản của hệ thống siêu thị Co.opmart), bình quân mỗi năm có không dưới 10 chương trình khuyến mãi được Co.opmart triển khai, trong đó chương trình “Tự hào hàng Việt” được triển khai thường niên với tổng số tiền rất lớn, như năm 2015 là 189 tỷ đồng, năm 2016 là 200 tỷ đồng.

Các chương trình khuyến mãi đang được nhiều DN xem như công cụ giúp tăng doanh số, mang lại hiệu quả kinh doanh cao. Tuy nhiên, các chuyên gia marketing cho rằng khuyến mãi tặng quà, giảm giá bán có thể giúp việc bán hàng đạt mục tiêu đề ra nhưng nếu sử dụng tùy tiện có thể làm thiệt hại đáng kể cho thương hiệu DN.

Khi triển khai chương trình khuyến mãi, cụ thể như giảm giá, DN rất dễ dàng để thực hiện, dễ dàng theo dõi, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhược điểm của chương trình này là có thể làm giảm lợi nhuận và thu hút khách hàng không trung thành.

Nhiều khi chính các chương trình khuyến mãi cũng ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, nếu tổ chức thường xuyên sẽ tạo tâm lý “trông chờ khuyến mãi mới mua hàng” ở người tiêu dùng.

Nhiều khi chính các chương trình khuyến mãi cũng ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, nếu tổ chức thường xuyên sẽ tạo tâm lý “trông chờ khuyến mãi mới mua hàng” ở người tiêu dùng.

Theo đại diện các siêu thị bán lẻ, sau các chương trình khuyến mãi, doanh số bán hàng thường tăng từ 30 – 50%, thậm chí có thời điểm như lễ, Tết, doanh số tăng đến 100% so với ngày thường. Đại diện Saigon Co.op cho biết, trong dịp lễ 2 tháng 9 vừa qua, sức mua tại một số siêu thị trong hệ thống Co.opmart đã tăng 3 – 4 lần so với ngày thường.

Hiện nay có rất nhiều phương thức để thực hiện các chương trình khuyến mãi, nhưng các DN phải biết cách khai thác sao cho phù hợp với thực tế tại đơn vị. Nếu giảm giá, có thể triển khai theo tuần, theo tháng để tăng doanh số hoặc có thể khuyến mãi theo mùa lễ, Tết.

Nếu bán hàng trực tuyến, DN có thể giảm giá khi khách hàng like, share hoặc giới thiệu đến người quen, hoặc cũng có thể triển khai chương trình dành riêng cho mạng xã hội. DN cũng có thể khuyến mãi cho khách hàng trung thành, giảm giá cho những người có ảnh hưởng (bloger, người nổi tiếng…).

Việc hợp tác với những người có ảnh hưởng, có lượng khán giả lớn là cách rất tốt để tăng nhận diện thương hiệu. Bằng cách tạo ra chương trình khuyến mãi riêng dành cho cộng đồng những người này, DN sẽ có thêm cơ hội chuyển lượng fan hâm mộ của họ thành khách hàng của mình.

Nguồn: BrandsVietNam

Lời khuyên đáng giá của Steve Jobs

Chạy theo mọi cơ hội có thể giết chết doanh nghiệp của bạn. Tại sao?

Sau khi Nike công bố Mark Parker trở thành CEO của công ty này vào năm 2006, một trong những việc đầu tiên mà Parker làm là gọi cho CEO của Apple Steve Jobs để xin lời khuyên.

Tại thời điểm này, Nike đang nỗ lực đưa chiến lược kỹ thuật số vào hàng trăm ngàn sản phẩm của mình. Steve Jobs đã nói một điều khiến Parker “tóm lấy” ngay: “Nike tạo ra những sản phẩm tốt nhất trên thế giới, những sản phẩm hấp dẫn. Nhưng Nike cũng có nhiều sản phẩm tào lao. Nên dẹp mấy thứ tào lao và tập trung vào những sản phẩm tốt”.

“Ông ấy hoàn toàn đúng”, Parker đồng ý. “Chúng tôi cần phải tinh lọc”. Và thay vì lao vào một dòng sản phẩm khác về công nghệ, Nike đã tập trung vào sở trường của họ đồng thời hợp tác với Apple. Kết quả là chiến dịch Nike+ trở thành một trong những chiến dịch thành công nhất từ trước tới nay của Nike.

Mark Parker và Steve Jobs ở buổi công bố sự hợp tác của Nike và Apple ngày 23/05/2006. Ảnh: Mike Ehrmann / WireImage / Gigaom.

Steve Jobs không chỉ đơn thuần đưa ra lời khuyên; ông từng sống với trải nghiệm này. Jobs bị sa thải khỏi Apple nhưng trở lại lúc hãng này đang lúng túng trong khó khăn vào năm 1997. Mệnh lệnh đầu tiên của ông ngày trở về? Tinh lọc.

Cho đến cuối năm đó, Steve Jobs đã loại bỏ 70% sản phẩm của Apple. Chỉ một năm sau, công ty đi từ chỗ thua lỗ 1,04 tỉ USD đến mức lợi nhuận 309 triệu USD. Jobs đã nhận ra rằng Apple bị sao nhãng bởi những cơ hội. Cơ hội thì vô tội nhưng chúng ta cũng thường quên rằng những cam kết đi cùng cơ hội chính là năng lượng, thời gian và tiền.

Tại sao chỉ tập trung vào một thứ lại là điều khó khăn? Thế giới ngày nay dạy chúng ta đuổi theo cơ hội. Phải tham gia cuộc họp đó. Cần dự sự kiện kia. Tâm lý của chúng ta buộc chúng ta hành động như thế. Nỗi sợ bị bỏ lại phía sau là rất mạnh mẽ. Chúng ta không muốn ai đó chớp mất cơ hội của chúng ta.

Nói rằng phải đóng cửa trước cơ hội để xây dựng điều lớn lao dường như là nghịch lý nhưng từ chối chúng để đổi lấy sự tập trung là điều cần làm, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay. Với quá nhiều cửa xả lũ trên internet, chúng ta dường như ngập lụt trong các lựa chọn và thông tin trong khi não của chúng ta chỉ muốn điều gì đó đơn giản.

Tạo dựng một điều gì đó trở thành xuất sắc là điều hiếm thấy. Nhưng thế giới ưu ái sự hiếm thấy.

Vì thế, nếu bạn chạm vào thông điệp đơn giản, bạn sẽ nổi bật. Apple dưới thời Steve Jobs trải qua ba năm đầu tiên chỉ với một sản phẩm duy nhất: Apple 1. Chỉ sau khi sản phẩm đầu tiên này trở nên xuất chúng, Apple mới tiếp tục tiến lên với cái mới.

Tạo dựng một điều gì đó trở thành xuất sắc là điều hiếm thấy. Nhưng thế giới ưu ái sự hiếm thấy. Chúng ta tìm kiếm giải pháp tốt nhất và bằng cách tập trung vào phạm vi hẹp, bạn sẽ có thời gian để làm nên một sản phẩm có thể giải quyết được một vấn đề thật xuất sắc.

Một khi mà năng lượng và nguồn lực của công ty bạn bị kéo mỏng ra, bạn không thể giải quyết vấn đề ở mức độ cao. Bạn không có được sự chú tâm để tạo nên điều gì đó “đủ tốt”.

Nhưng hiện có quá nhiều sự cạnh tranh để chúng ta có thể bình tâm tạo dựng được điều gì đó độc đáo và đủ tốt. Có thể chúng ta vẫn bị hấp dẫn bởi các cơ hội mỗi ngày, nhưng hãy học được tầm quan trọng của việc tập trung vào những cơ hội phù hợp. Một gợi ý có thể giúp bạn làm được điều này là lập một danh sách “No List” và hằng ngày viết ra cơ hội hấp dẫn mà chúng ta quyết nói không. Chẳng hạn, “No List” cho quý này là: – Không có dự án đặc biệt, mới; – Không sự kiện; – Không tham gia làm diễn giả. Bắt đầu quá nhiều thứ cùng lúc không giúp cho mọi thứ tiến triển nhanh hơn. Thay vào đó, trước tiên nên tập trung vào hoàn thiện một thứ.

Trước khi bạn bước tiếp, hãy làm cho mọi người thật sự muốn điều mà bạn đang mang lại. Khi đó mới là lúc cân nhắc hành động tiếp theo.

Nguồn: BrandsVietNam

Bài học từ thành công của Google

Năm 1998, Google từng đặt ra nhiệm vụ lớn: trở thành công cụ tìm kiếm hàng đầu thế giới. Mặc dù có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, Google vẫn trở thành lãnh đạo trong ngành công nghiệp tìm kiếm với cách sử dụng dễ dàng, thiết kế trang đầu rất “sạch sẽ”, đơn giản và hiển thị chính xác những gì mọi người muốn.

Bài học rút ra được từ thành công của Google là gì?

Chúng ta thường có nhiều mục tiêu và chúng có thể sẽ mâu thuẫn với nhau, chẳng hạn như ca hát và làm mộc, bạn vẫn có thể làm cả hai – chỉ cần không cùng một lúc. Trong trường hợp của Google, họ bắt đầu bằng cách tập trung hoàn toàn vào mục tiêu trở thành công cụ tìm kiếm hàng đầu thế giới. Mãi cho đến sáu năm sau đó, gã khổng lồ tìm kiếm mới “trình làng” Gmail – hệ thống email của họ.

Nếu bạn muốn thành công, hãy tập trung vào mục tiêu quan trọng nhất. Một khi hoàn thành bước 1, bạn có thể chuyển sang bước tiếp theo. Đơn giản hóa mục tiêu sẽ thu về kết quả ngoài mong đợi.

Tập trung ít mục tiêu thay vì “đa nhiệm”

Ngay từ cái nhìn đầu tiên, có thể thấy thiết kế của Google trông cực kỳ cơ bản. Nó gần như “trắng toát” với một thanh tìm kiếm ở trung tâm. Nhưng bên dưới thiết kế chẳng có gì nổi bật ấy là rất nhiều kế hoạch, hệ thống.

Nếu bạn muốn thành công, hãy tập trung vào mục tiêu quan trọng nhất.

Google từng phải nói không với rất nhiều lời đề nghị, bao gồm cả nhân viên, người sử dụng và khách hàng. Các kỹ sư thường xuyên mang lại những ý tưởng về cách cải thiện trang phía trước. Điều tra người dùng cũng cho thấy, họ muốn có nhiều kết quả hơn hiện trên mỗi trang.

Tuy nhiên, Google kiên quyết rằng việc đưa thêm nhiều lựa chọn sẽ mang đến một số hậu quả tiêu cực, chẳng hạn như thời gian tải lâu hơn và giảm sự hài lòng của người dùng. Vì vậy, ông lớn tìm kiếm đã quyết định đặt ra hạn chế chặt chẽ về những gì có thể và không thể thêm vào.

Bất cứ khi nào một kỹ sư đưa ra một tính năng mới, nó sẽ được kiểm tra nghiêm ngặt, được thử nghiệm trên các trang tìm kiếm nâng cao và được đánh giá dựa trên tiêu chí dễ dàng sử dụng. Mục tiêu của Google là loại bỏ những thứ phức tạp không cần thiết.

Trong một “biển” đối thủ cạnh tranh, Google đã lựa chọn đúng con đường, hiển thị tìm kiếm ít hơn cho người sử dụng thay vì hiển thị nhiều.

Những ảnh hưởng bị giảm bớt

Mọi người thường tin, càng nhiều sẽ càng tốt. Nhiều chức năng, tính năng, tiện ích thì sẽ tốt hơn. Nhưng có vẻ, tất cả đang phức tạp hóa mọi thứ. Thay vì làm một cái gì đó dễ dàng hay thuận tiện hơn, chúng ta lại quá “đa nhiệm”. Và chính sự đa nhiệm này đã đánh lạc hướng mọi người khỏi mục tiêu ban đầu.

Ảnh: Paul Sawers / VentureBeat.

Chúng ta đang nói về việc giảm bớt ảnh hưởng. Nó thường xảy ra khi con người đặt ra mục tiêu để thu về kết quả cụ thể, nhưng việc bổ sung các yếu tố không cần thiết làm loãng hiệu quả mong muốn. Khi có nhiều hoạt động khiến chúng ta phải chú ý, năng lượng bị chia nhỏ và tiến độ, thành quả bị giảm sút.

Làm thế nào để đơn giản hóa và thu lại nhiều hơn?

Chúng ta có xu hướng “nhồi nhét” nhiều hoạt động vào cuộc sống vì nghĩ, nhiều lựa chọn hơn sẽ hạnh phúc và an toàn hơn. Nhưng thực tế, đưa ra mục tiêu dài hạn để tập trung và thay thế bởi những điều đơn giản mới là lựa chọn đúng đắn.

Thật không dễ dàng để đơn giản hóa. Hãy suy nghĩ kỹ càng về những điều cần thiết và không cần thiết để dành thời gian quý báu vào những mục tiêu quan trọng.

Khái niệm này được áp dụng cho nhiều khía cạnh của cuộc sống, chẳng hạn như:

Giải thích một khái niệm: Đơn giản hóa những lời nói và chỉ nhắc tới những gì cần thiết.

Tạo một sản phẩm: Hạn chế tính năng, chỉ cho vào những tính năng cần thiết, người dùng sẽ dễ sử dụng hơn, làm tăng sự hài lòng.

Quyết định những hoạt động để làm: Chỉ tập trung vào các hoạt động giúp bạn đi đúng hướng, làm tăng khả năng hoàn thành mục tiêu.

Nguồn: BrandsVietNam