Thuê người tiêu dùng làm truyền thông

Thuê người tiêu dùng làm truyền thông

Khoác một chiếc áo đầm mới mua lên người, cô gái tuổi teen lập tức rút điện thoại ra chụp ảnh – selfie. Điện thoại thông minh và mạng xã hội thay đổi hành vi chia sẻ niềm vui (và nhiều hành vi khác) của con người một cách… “ghê gớm”.

Thay vì gọi mấy người bạn đi uống trà chanh khoe chiếc đầm, việc selfie rồi post lên Facebook của cô gái có thể khiến hàng trăm, hàng ngàn người biết cô có chiếc đầm mới. Cho nên, chuyện các Facebooker, Instagramer nổi tiếng kiếm nhiều tiền từ các nhãn hàng không còn là chuyện mới.

Kiếm tiền trong “thời gian chết”

Thế nhưng hiện nhiều nhãn hàng không còn ưa chuộng việc thuê những người nổi tiếng trên mạng xã hội quảng bá cho họ nữa. Các ngôi sao ngày càng quá quắt trong chuyện đòi thù lao, mặt khác, chính họ cũng mất điểm trong mắt các fan ở chuyện tạo nội dung để fan thưởng thức thì ít mà đăng đàn khen sản phẩm này tốt, dịch vụ kia hay thì nhiều. Mua quảng cáo của chính các mạng xã hội cũng không còn tốt, vì thuật toán của mạng xã hội đưa đến lượng khách hàng không phải khách hàng mục tiêu của sản phẩm. Giờ đây, nhiều nhãn hàng đã hoặc đang tính chuyện mua quảng cáo với những người bình thường tham gia vào mạng xã hội.

Giờ đây, nhiều nhãn hàng đã hoặc đang tính chuyện mua quảng cáo với những người bình thường tham gia vào mạng xã hội.

Xã hội đang nói tới “kinh tế chia sẻ” với các đại diện hàng đầu như Uber, Airbnb, loại hình tạo điều kiện cho nhiều người kiếm tiền trong thời gian rảnh rỗi. Nhưng các mô hình như Uber không phải là tất cả những gì nền kinh tế chia sẻ có. Để tham gia Uber, ít nhất bạn cũng phải có hoặc phải thuê ô tô, trong khi đó, còn rất nhiều cách kiếm tiền trong “thời gian chết” mà không cần phải có một tài sản như ô tô.

Trang Penny Hoarder (Kẻ tích trữ từng xu) mới liệt kê 32 cách kiếm tiền hợp pháp qua các ứng dụng di động. Giả dụ bạn đang ngồi chờ ở bến xe buýt, thay vì lướt Facebook hay xem báo để đốt thời gian, bạn mở ứng dụng Swagbucks, làm những công việc nhỏ mà ứng dụng này giao như trả lời một cuộc khảo sát, bỏ phiếu cho một cuộc bình chọn, xem các video… là bạn có tiền. Giờ đây, điện thoại thông minh, mạng xã hội và nhu cầu đốt thời gian của người dùng là sự kết hợp lý tưởng để các nhãn hàng trao cơ hội kiếm tiền cho mọi người, biến người sử dụng điện thoại thành người ủng hộ trung thành của nhãn hàng và thành người tiêu dùng năng động. Một số ứng dụng giúp quảng bá tiếp thị nhãn hàng như vậy đã đến Việt Nam và được giới thiệu trong sự kiện Innovation Day 2016 tại TPHCM hồi tuần trước.

Mỗi người là một cơ quan truyền thông

Hành động selfie rồi đưa lên Facebook của cô gái trẻ không tạo ra tiền, nhưng cũng với hành động đó, cô có thể kiếm được tiền nếu sử dụng ứng dụng Fotoku. Vào ứng dụng này chụp hình selfie, lồng hình chụp vào khung hình có tên, hình ảnh, logo một nhãn hàng nào đó rồi đưa lên các mạng xã hội. Với mỗi “like” cho bức hình, cô gái được 200 jet; mỗi bình luận cô được 300 jet; mỗi chia sẻ hoặc chia sẻ cấp 2 được 100 jet; sử dụng bức hình làm hình đại diện (avatar) tối thiểu 30 ngày được tặng 5.000 jet.

Fotoku là một trong 8 ứng dụng của bộ ứng dụng Jet8 bên cạnh các ứng dụng tại video, truyện hoạt hình, chụp hình món ăn… cho phép người dùng tạo nội dung được tài trợ (bởi nhãn hàng nào đó). Nội dung đó được tưởng thưởng qua mức độ gắn kết của người tạo nội dung với người khác trên các mạng xã hội. Jet là đơn vị tiền tệ ảo của bộ ứng dụng Jet8, cứ 10.000 jet đổi được 1 đô la Mỹ. Khẩu hiệu “In Engagement We Trust” trên đồng jet gửi gắm thông điệp của nhà phát triển bộ ứng dụng: sự gắn kết là chìa khóa thành công của việc kinh doanh ngày nay. Với đồng jet này, người được thưởng có thể mua các sản phẩm ngay trên nền tảng bộ ứng dụng hoặc đổi ra tiền thật.

Ông Victor Zabrockis (phải), người sáng lập Jet8 giới thiệu ứng dụng Fotoku với đối tác tiềm năng. Ảnh: Đinh Hiệp.

Bộ ứng dụng Jet8 đã đưa các nhãn hàng vươn tới 280 triệu tài khoản mạng xã hội ở Đông Nam Á. 80% trong số này ở độ tuổi vàng của các nhãn hàng tiêu dùng nhanh (từ 18-34 tuổi). Fotoku bắt đầu ra mắt ở Việt Nam từ tháng 7-2016 và chạy thử cho một nhãn hàng, đến nay, những người dùng ứng dụng này đã tạo nội dung vươn tới 25 triệu tài khoản trên mạng xã hội.

Chia sẻ với TBKTSG, ông Victor Zabrockis nói: “Chúng tôi xem mỗi người là một cơ quan truyền thông. Hàng ngày, hàng ngàn người sẽ tạo ra hàng ngàn nội dung, vươn tới bạn bè của họ một cách tự nhiên. Và để thu hút được người khác tương tác (like, bình luận, chia sẻ) thì mỗi người tạo nội dung được tài trợ trên Fotoku phải tự học cách làm sao để mình có giá trị hơn”.

Công thức “tạo nội dung – tìm gắn kết – kiếm tiền” này có thể thấy ở các ứng dụng khác cũng được giới thiệu tại sự kiện Innovation Day 2016, như Krowdpop, Got It, Easy World, Pokkt… Christian Hưng Nguyễn, đồng sáng lập ứng dụng Offpeak, chuyên gia về startup, đưa ra nhận xét: “Phát triển các ứng dụng như thế này không khó, không phải mất nhiều công phát triển cộng đồng, tìm kiếm nhu cầu hay giáo dục người dùng như các ứng dụng đi chợ thuê, mua vé xe, đặt lịch làm đẹp, thuê người giúp việc… mà các nhà phát triển dịch vụ di động ở Việt Nam đang làm. Các startup công nghệ Việt Nam vẫn bị hạn chế tầm nhìn…”.

Đừng để bị chìm nghỉm giữa đại dương nội dung

“Cha đẻ nước Mỹ” Benjamin Franklin có câu nói: “Nếu bạn không muốn bị lãng quên ngay sau khi chết, hoặc viết thứ gì đó đáng đọc hoặc làm thứ gì đó đáng được viết”. Vế sau của câu này được giới tiếp thị truyền thông số sửa thành “…hoặc bình luận đáng lôi cuốn hoặc tạo ra thứ gì đó đáng được bình luận” để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo nội dung cho tiếp thị quảng bá thương hiệu.

93% nội dung truyền thông số bị chìm nghỉm, không tới được khách hàng mục tiêu vì không thỏa mãn các tiêu chí.

Nhưng không phải nhãn hàng nào cũng phù hợp với việc dùng các ứng dụng như Fotoku để nhờ số đông người sử dụng mạng xã hội tạo thật nhiều nội dung. Trường hợp nhãn hàng phải tự làm nội dung thì họ làm thế nào để không bị chìm nghỉm trong đại dương nội dung được tạo ta mỗi ngày?

Số liệu năm 2015 từ công ty tư vấn về tiếp thị số Smart Insights cho biết cứ mỗi 60 giây, trên thế giới có 3,3 triệu dòng trạng thái mới trên Facebook; 3,1 triệu lượt tìm kiếm trên Google; 55.555 tấm ảnh được tải lên Instagram; một lượng video có thời lượng 400 giờ đồng hồ được tải lên YouTube… Còn các thương hiệu, mỗi ngày họ cho ra 27 triệu nội dung truyền thông số.

Theo bà Roopa Dhawan, Tổng giám đốc tập đoàn Truyền thông và Tiếp thị Mindshare tại Việt Nam, đơn vị tổ chức Innovation Day 2016, 93% nội dung truyền thông số bị chìm nghỉm, không tới được khách hàng mục tiêu vì không thỏa mãn các tiêu chí: đặt người tiêu dùng vào trọng tâm, sức lôi cuốn, chứa nhiều tầng đổi mới sáng tạo, thông điệp rõ ràng.

Cá nhân hóa trải nghiệm người tiêu dùng

Jaguar thực hiện chiến dịch quảng bá chiếc xe thể thao đời mới mang tên “Art of Performance Tour”, thay vì mời khách đến lái thử và tham gia các hoạt động như các chương trình quảng bá như từ trước đến nay, họ mời khách đến đóng một đoạn phim dài hơn 2 phút. Phim trường là nơi thử xe, kịch bản là một buổi tuyển chọn điệp viên của Cơ quan tình báo Anh với 7 cảnh quay, 2 cảnh diễn với diễn viên Graham McTavish trong phòng và 5 cảnh diễn trên chiếc Jagua, khách lái xe trong phim trường và thể hiện cảm xúc trước các máy quay gắn trên xe. Những cảnh khó do các cascadeur thực hiện. Sau khi quay xong, khách được Jaguar trả cho đoạn video mà họ diễn với đề nghị đưa lên YouTube và các mạng xã hội.

“Art of Performance Tour” được thực hiện ở các thành phố Bắc Mỹ, Anh và châu Âu, thành công vang dội về mặt quảng bá. Bài học thành công của Jaguar là nhờ chính khách hàng làm nội dung cho họ.

Để thực hiện chiến dịch quảng cáo cho dòng xe NX 2016 trên Facebook, nhãn hiệu Lexus cũng không quản ngại tạo ra hơn 1.000 đoạn video quảng cáo khác nhau, mỗi đoạn dài 30 giây. Tùy vào dữ liệu cá nhân của từng người trên Facebook, họ cho phát đoạn video phù hợp (ví dụ nếu là người trẻ tuổi, năng động, ham đi du lịch thì họ sẽ phát đoạn quảng cáo mang chủ đề du lịch lên tài khoản Facebook của người này để thu hút sự chú ý của anh ta). Số lượng người dùng Facebook xem các video quảng cáo của Lexus đã tăng 315% so với dự kiến, lượng tương tác tăng 1.673% so với dự kiến.

Các ví dụ về Jaguar và Lexus cho thấy nhu cầu cá nhân hóa của mỗi người tham gia mạng xã hội là rất cao. Trưởng bộ phận sáng tạo nội dung khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mindshare, ông Mikael Christenson, nói tại sự kiện Innovation Day 2016: “Ngày nay, kể một câu chuyện chưa đủ, những người làm tiếp thị phải tìm cách đi xa hơn nữa”.

Nguồn: BrandsVietNam

Cách sử dụng ký hiệu trong Tên Thương hiệu

Cách sử dụng ký hiệu trong Tên Thương hiệu

Tạo ra được một cái tên thương hiệu dễ nhớ đang trở nên ngày càng khó khăn hơn. Rất nhiều tên đã được sử dụng, bao gồm tên của những loại trái cây nổi tiếng nhất.

Sở hữu 1 cái tên hay 1 từ hoàn toàn mới không chỉ là 1 vấn đề liên quan đến cả chiến lược và sáng tạo, mà cái tên đó còn phải được đăng kí một cách hợp pháp để trở thành thương hiệu riêng của công ty. Với 2.126.264 tên thương hiệu đã được đăng kí ở Mỹ tính tới thời điểm hiện tại , tìm 1 cái tên thật khác biệt trở nên khó hơn nhiều. Suy cho cùng, chúng ta chỉ có 26 chữ cái tiếng Anh, và không phải sự kết hợp nào cũng cho ra 1 từ có nghĩa, ví dụ như là sự xuất hiện của một nguyên âm thường là điều bắt buộc và còn phải cân nhắc cả chiến lược, hệ thống hình ảnh và cách truyền đạt để có thể tạo ra một cái tên thương hiệu thành công. Theo lý thuyết thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ chẳng còn sự lựa chọn mới mẻ hay ý nghĩa nào để tạo ra 1 cái tên thương hiệu cả. Nhưng chúng ta không vì thế mà mất hy vọng, hay chí ít là chưa.

Thế còn ký hiệu thì sao?

Ngoài 26 chữ cái ra, thì chúng ta còn có thể sử dụng nhiều nguồn khác để tạo ra tên thương hiệu. Hãy nhìn vào bàn phím nào: nó gồm 26 chữ cái, 10 số và 32 ký hiệu. Các ký hiệu này mở ra nhiều lựa chọn mới để ta sử dụng cho việc đặt tên thương hiệu.

Cách dùng chữ cái kết hợp với các ký hiệu còn là 1 cách để tạo ta 1 cái tên thương hiệu tách biệt. Ví dụ như ở Trung Quốc, 2 cái tên DG và D & G có thể được đăng kí mà không xảy ra sự xung đột nào. Với ý nghĩ đó, hãy cùng nhau nhìn vào 1 số ví dụ mà tên thương hiệu sử dụng ký hiệu trong đó:

Strategy&

“Strategy&” được sang lập năm 2014 khi 2 công ty Booz & Company và PwC sát nhập với nhau.

Đây chắc chắn là 1 cái tên khác biệt, và ký hiệu “&” được lấy từ tên thương hiệu “Booz & Company”. Nhưng ý nghĩa của “Strategy&” là gì? Công ty muốn nói với khách hàng của họ rằng họ không chỉ phát triển chiến lược, nhưng cái tên thì như gợi lên câu hỏi – Chiến lược và còn gì nữa? Không có câu kết thúc hay chú thích, chúng ta sẽ không thể biết câu trả lời.

Hơn nữa, ký hiệu “Và” không được sử dụng nhất quán khi mà địa chỉ website của họ là strategyand.pwc.com, và trong các bài báo thì lại là “strategy +”. Sử dụng biểu tương để truyền tải 1 nghĩa nào đó – khiến mọi người tò mò – có thể trở thành 1 công cụ hiệu quả trong việc đặt tên thương hiệu. Nhưng như hầu hết mọi thứ trong quá trình xây dựng thương hiệu, nếu nó không được sử dụng một cách nhất quán và có hệ thống, thì thay vì khiến khách hàng gắn bó với thương hiệu, nó sẽ chỉ gây ra sự khó hiểu.

Chips Ahoy!, YUM!, và Yahoo!

Cả 3 đều sử dụng dấu chấm than ở cuối tên thương hiệu, nó tạọ cảm giác tràn trề năng lượng và nhiệt huyết đến cho hệ thống định vị thương hiệu của họ. Điều này có thể khiến cho tên thương hiệu trở nên độc đáo và thu hút, miễn là âm điệu của nó nhất quán với chính thương hiệu. Trường hợp sử dụng ký hiệu thường ít thấy đối với các công ty luật hay bệnh viện. Ta thấy cảm xúc hứng thú rất quan trọng đối với các loại hình kinh doanh của 3 ví dụ trên. Hơn nữa, sự thích thú còn gắn liền với tính cách thương hiệu của họ – từ bao bì sản phẩm, đến thong điệp mà thương hiệu truyền tải, đến ứng dụng trên trang web của họ, luôn luôn có sự thống nhất giữa tiếng nói và âm địệu thương hiệu.

?Nếu như!

Một công ty tư vấn sáng tạo sử dụng dấu câu ở cả đầu và cuối tên thương hiệu. Nó kể 1 câu chuyện đơn giản nhưng không kém phần hào hứng: bắt đầu bởi 1 câu hỏi và kết thúc với 1 cầu trả lời. Trong logo của mình, vì tên thương hiệu có thể không giải thích được công việc của họ là gì, 1 câu chú thích về “đối tác sáng tạo” cũng được thêm vào. Cách tiếp cận đặt tên thương hiệu toàn diện như vậy đã tạo nên 1 bức tranh rõ ràng và dễ hiểu cho khách hàng.

Su:m37o

1 công ty mỹ phẩm Hàn Quốc đã đem việc sử dụng ký hiệu trong tên thương hiệu lên 1 tầm cao mới bằng việc sử dụng dấu hai chấm, ký hiệu chỉ độ và cả số cùng 1 lúc. Nhưng câu hỏi đặt ra là họ có quá tay với việc đặt tên này hay không? Dấu hai chấm làm cho việc đọc tên trở nên đứt quãng, và “37o” làm tên thương hiệu trở nên khó nhớ. Việc them vào quá nhiều ký hiệu có thể khiến cho thương hiệu được nhớ đến về mặt hình ảnh hơn là cái tên của nó.

85oC

1 sự kết hợp hài giữa số và ký hiệu để đặt tên thương hiệu của một chuối quán cà-phê ở Đài Loan. 85 là nhiệt độ hoàn hảo để pha cà phê. Đây là 1 tên thương hiệu ngắn, khác biệt, dễ nhớ, đồng thời bao gồm cả một câu chuyện thú vị đằng sau nó.

SK-II

Doanh nghiệp sử dụng dấu gạch ngang cùng chữ số La Mã cho tên thương hiệu của họ. Đây là một cái tên ngắn gọn, dễ nhớ và độc đáo. Và do số La Mã đã khá quen thuộc với hầu hết mọi người, nó còn là một cái tên dễ đọc. Tuy nhiên, dường như không có bất cứ một ý nghĩa nào khi sử dụng dấu gạch ngang trong tên thương hiệu, hay đúng hớn, thì ý nghĩa của nó chỉ thực sự được biết đến khi doanh nghiệp mất một khoảng thời gian để truyển tải đến khách hàng. Nếu thiếu một câu chuyện thương hiệu rõ rang, đây là một cách tốn kém để đưa tên thương hiệu đến gần khách hàng, đặc biệt là đối với các thương hiệu mới. Hơn nữa, địa chỉ của tên thương hiệu là: sk-ii.com, không được đọc như “SK hai” như các mà tên thương hiệu thể hiện.

Cách tốt nhất để sử dụng ký hiệu trong Tên thương hiệu

Qua một số ví dụ, cách tốt nhất để áp dụng ký hiệu trong tên thương hiệu là khi:

Ký hiệu đó mang một ý nghĩa nhất định

Thương hiệu không nên sử dụng ký hiệu một cách tuỳ tiện trong tên của họ. Tốt hơn cả là nên có một câu chuyện đằng sau nó và âm điệu của ký hiệu nên có sự nhất quán với tính cách thương hiệu

Ký hiệu nên được sử dụng một cách đồng nhất và rộng khắp.

Sự thay đổi nhận dạng của tên thương hiệu thường xuyên sẽ làm giảm sự độc đáo cũng như khả năng nhận diện của khách hàng đối với thương hiệu.

Khi sử dụng một ký hiệu cho thương hiệu, nó nên có mặt trên mọi phương diện thật nhất quán. “!”, “&” hay “@” không chỉ nên xuất hiện nơi có nơi không. Sự thay đổi nhận dạng của tên thương hiệu thường xuyên sẽ làm giảm sự độc đáo cũng như khả năng nhận diện của khách hàng đối với thương hiệu, hoặc làm họ nghi ngờ uy tín của thương hiệu đó. Cách sử dụng ký hiệu trong chữ ký thương hiệu cũng như trong địa chỉ trang web là những dao diện chính để xây dựng nhận diện thương hiệu

Ký hiệu có thể trở thành một tài sản thương hiệu cốt lõi xuyên suốt các danh mục sản phẩm của doanh nghiệp.

Một khi sự nhận biết thương hiệu đã hình thành, ký hiệu trong tên thương hiệu đại diện cho một tài sản có thể sử dụng để quảng bá cơ cấu thương hiệu. Ví dụ nếu một thương hiệu có nhiều thương hiệu con, những thương hiệu con này có thể sử dụng ký hiệu trong thương hiêu mẹ để kết nối với thương hiệu mẹ cùng các thương hiệu nhỏ khác trong hệ thống thương hiệu.

Điều gì đang chờ đợi phía trước trong việc đặt tên thương hiệu?

Đúng là chúng ta chưa mất hẳn hy vọng khi đặt tên. Bằng việc sử dụng ký hiệu để đặt tên thương hiệu, chúng ta đã mở ra ra nhiều cánh cửa cơ hội mới, mà có thể trong tương lại sẽ còn nhiều hơn nữa. Sẽ ra sao nếu chúng ta có thể sử dụng chữ cái từ nhiều nước khác nhau trên Thế Giới để đặt tên thương hiệu? Hay chèn các ký hiệu cảm xúc? Hay phát minh ra những chữ cái mới? Tất cả những điều trên có thể thành hiện thực trong một tương lai không xa. Con người đã giao tiếp với nhau qua chữ viết suốt 5000 năm, và chúng ta sẽ tiếp tục làm thế trong thời gian tới. Các thương hiệu cũng không có vẻ gì là sẽ biến mất cả, chúng ta cần nghĩ ra những cách sang tạo mới để đặt tên cho chúng. Tương lai không nhất thiết phải gói gọn trong một bảng 26 chữ cái.

Nguồn: BrandsVietNam